Để nâng tầm Việt Nam trở thành quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, việc chuyển dịch từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao là vô cùng cần thiết. Vậy nông nghiệp công nghệ cao được hiểu là gì?
Doanh nhân Đặng Huỳnh Ức My, hiện đang là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hoà, TTC AgriS và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre, Betrimex. Xuất thân từ lĩnh vực tài chính, chị gia nhập cuộc chơi nông sản Việt với góc nhìn của một người làm kinh doanh, và dần tạo ra một không gian về mặt thị trường nông sản Việt Nam.
Trong chương trình Modern Farmer, chị Ức My sẽ đào sâu và khai mở các khái niệm mới về nông nghiệp công nghệ cao qua góc nhìn của một người nông dân hiện đại.
Tái định nghĩa lại nông nghiệp công nghệ cao
Khác với các định nghĩa về nông nghiệp công nghệ cao như việc phải ứng dụng nhiều máy móc, kỹ thuật, chị Ức My đưa vấn đề về với bản chất cốt lõi nhất: “Nông nghiệp công nghệ cao là nền công nghiệp canh tác chính xác mang lại hiệu quả cao”.
Nông nghiệp công nghệ cao là nền công nghiệp canh tác chính xác mang lại hiệu quả cao.
Việc áp dụng canh tác chính xác bắt đầu từ quá trình thiết kế đồng ruộng (Farm Design) và một hệ thống ghi nhận toàn bộ các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng nông sản như hoạt động tưới tiêu, thổ nhưỡng, vận hành máy móc cũng như các sản phẩm phục vụ canh tác. Điều này cho phép nông dân không chỉ nâng cao năng suất cây trồng, giảm thiểu lãng phí, mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế.
Thách thức khi chuyển đổi sang nông nghiệp công nghệ cao
Trong nông nghiệp công nghệ cao, điều kiện quan trọng đầu tiên là sự ghi nhận đúng đủ, chính xác nhưng hiện tại nông dân chủ yếu vẫn canh tác dựa trên kinh nghiệm truyền lại. Để xây dựng hệ thống ghi nhận chính xác thì áp dụng công nghệ là điều thiết yếu nhưng đây đồng thời cũng là rào cản lớn với người nông dân. Tuy nhiên, chị Ức My rất lạc quan về năng lực tiếp nhận công nghệ của nông dân: “Nông dân Việt học rất nhanh, chỉ cần hướng dẫn họ bài bản, họ sẽ hứng thú thực hiện”.
Bên cạnh đó, chị Ức My cũng chỉ rõ: “Nông nghiệp Việt Nam còn thiếu khâu quản lý đồng ruộng (Farm Management) để tính toán tổng thể về thiết kế đồng ruộng, sử dụng nông cụ, bón phân”. Người làm quản lý đồng ruộng đòi hỏi phải có kiến thức 4 chiều: Kiến thức của một nhà nông, nhà thương mại, nhà quản lý công việc và kiến thức khoa học nông nghiệp. Việc ghi nhận đầy đủ các kiến thức này sẽ góp phần giảm lãng phí trong quá trình sản xuất nông nghiệp và là điều kiện để nền nông nghiệp Việt Nam có thể chuyển đổi sang nông nghiệp hiện đại.
Ngoài ra, nông nghiệp canh tác chính xác còn phải đi kèm với thương mại nông sản hiệu quả. Việc có kế hoạch thương mại trước, trong và sau khi trồng giúp nông dân không chỉ dừng lại ở câu chuyện trồng trọt và tạo ra sản phẩm mà còn kinh doanh và quản lý tốt hiệu suất kinh doanh.
Nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay cần có sự liên kết giữa Nhà nước – Nhà nông – Nhà Khoa học – Nhà Kinh tế để tạo ra hạ tầng kinh tế nông nghiệp.
Cuối cùng, chị Ức My nhấn mạnh tầm quan trọng của việc: “Nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay cần có sự liên kết giữa Nhà nước – Nhà nông – Nhà Khoa học – Nhà Kinh tế để tạo ra hạ tầng kinh tế nông nghiệp”. Điều này giúp nâng cao lợi ích của các bên tham gia, tăng quy mô tổ chức, sản xuất nông nghiệp, từ đó tạo điều kiện để áp dụng công nghệ hiện đại nhằm tạo ra năng suất tốt hơn.
Cách TTC AgriS giải bài toán chuyển đổi sang nông nghiệp công nghệ cao
Việc chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi một quá trình phức tạp. Công tác khuyến nông truyền thống là chưa đủ, TTC AgriS đã xây dựng các mô hình mẫu cho người nông dân trải nghiệm thực tế, bởi vì: “Nông dân chỉ tin tưởng và thực hiện theo khi họ có thể nhìn thấy và cầm nắm sản phẩm”, chị Ức My chia sẻ. Điều này đã thúc đẩy TTC AgriS mang mô hình nông nghiệp hiện đại từ Úc về Việt Nam, đồng thời tổ chức các nông trường mẫu để nông dân có thể tham gia và học hỏi.
Một thách thức khác trong quá trình chuyển đổi là mỗi địa phương đều có điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết khác nhau, yêu cầu mô hình thiết kế đồng ruộng cũng khác nhau. Để chia sẻ và cập nhật những thông tin này đến với nông dân, TTC AgriS đã xây dựng ứng dụng Farmer Relationship Management nhằm tạo ra cầu nối giao tiếp trực tiếp với nông dân.
Thế hệ nông dân hiện đại không chỉ cần biết về công nghệ – khoa học trồng trọt mà còn cần biết về hiệu quả kinh tế mang đến để nâng vị thế kinh doanh của nông dân và nông nghiệp Việt Nam trên thị trường Đông Nam Á.
Để thực hiện tốt công cuộc chuyển giao giữa nông nghiệp truyền thống và nông nghiệp công nghệ cao, TTC AgriS đã xây dựng mô hình kinh doanh chuỗi giá trị tuần hoàn và đồng bộ dựa trên ba trung tâm chính:
- Trung tâm thương mại: Kinh doanh trên nhiều kênh, không chỉ omnichannel, mà B2B2C2E – Từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp, từ doanh nghiệp đến khách hàng và từ doanh nghiệp đến các kênh thương mại điện tử.
- Trung tâm R&D: Nghiên cứu và phát triển công thức, công nghệ chế biến từ sơ chế, bán thành phẩm đến thành phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
- Trung tâm nông nghiệp: Liên kết các khâu trước, trong và sau khi trồng để chống lãng phí, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và tăng hiệu quả thương mại.
Việt Nam đang ở ngưỡng cửa của một cuộc cách mạng nông nghiệp, trong đó sự chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao là điều tất yếu. Những nỗ lực của TTC AgriS và doanh nhân Đặng Huỳnh Ức My đã minh chứng cho sự thành công nhờ việc áp dụng hoạt động canh tác chính xác, chiến lược thương mại nông sản và mô hình kinh doanh chuỗi giá trị tuần hoàn.
Để lắng nghe đầy đủ nội dung chia sẻ của chị Ức My về thực trạng nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam, mời quý vị khán giả đón xem tại đây. Đồng thời, hãy theo dõi các tập kế tiếp của Modern Farmer để lắng nghe những chia sẻ về hành trình đưa nông sản Việt ra thế giới.
Thảo luận về bài viết