Trong cuộc sống hiện đại, con người dễ bị cuốn vào guồng quay của kỳ vọng, thành công và áp lực xã hội, khiến họ quên kết nối với chính mình. Vậy làm thế nào để soi chiếu bản thân nhằm tìm thấy sự an nhiên từ bên trong?
Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách là nhà khoa học, nhà nghiên cứu Phật học và là tác giả của nhiều tập sách du ký, tiểu luận như: Mùi hương trầm, Mộng đời bất tuyệt, Đường rộng thênh thang, Đường xa nắng mới, Lưới trời ai dệt. Đồng thời, ông cũng là dịch giả của các cuốn sách: Con đường mây trắng, Đạo của vật lý, Đối diện cuộc đời.
Trong chương trình The Quoc Khanh Show, Host Quốc Khánh có cơ hội được trò chuyện cùng Tác giả, Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách về chủ đề “Cân bằng trong khủng hoảng” nhân dịp cuốn sách cùng tên được ra mắt. Từ chiêm nghiệm và tri thức của bản thân, ông đã phân tích ý nghĩa sâu xa của sự cân bằng trong xã hội đầy khủng hoảng ngày nay và cách để đạt được sự cân bằng trong tâm trí bằng việc quay trở về với nội tâm.

Điều gì cản trở hành trình quay về nội tâm?
Ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, ai trong chúng ta cũng đều trải qua những khủng hoảng ở nhiều mức độ khác nhau. Ví dụ như một học sinh bị điểm kém, một người trẻ bị thất nghiệp hay một cặp vợ chồng tranh cãi đến mức ly thân. “Mỗi mức độ khủng hoảng đều có những cách giải quyết riêng nhưng phương pháp cốt lõi chính là quay về với nội tâm”, Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách chia sẻ. Việc nhìn lại chính mình ở góc nhìn khách quan thông qua quan sát tâm mình như tâm của một người lạ sẽ giúp ta có hội nhận ra nguyên nhân thực sự của khủng hoảng và tìm thấy hướng đi để lấy lại sự cân bằng.

Mỗi mức độ khủng hoảng đều có những cách giải quyết riêng nhưng phương pháp cốt lõi chính là quay về với nội tâm.
Hành trình trở về với nội tâm chưa bao giờ là dễ dàng. Một trong những rào cản lớn nhất mà Tiến sĩ đề cập đến chính mà là thói quen hướng ra bên ngoài. Theo ông, “con người chúng ta khao khát sự công nhận từ người khác và lấy nó làm thước đo giá trị của bản thân mà quên mất mình có nhiều giá trị tự thân”.
Ở cấp độ bản năng, con vật xem sự sinh tồn của cơ thể vật lý là mục tiêu tối thượng, còn con người lại coi sự công nhận từ bên ngoài như một điều kiện để tồn tại về mặt tinh thần. Chúng ta mang trong mình nỗi sợ bị bác bỏ, vậy nên ta cố gắng chứng minh những gì mình nói là đúng và từ chối những quan điểm đi ngược với suy nghĩ của mình. Đó là lý do dẫn đến xung đột, mâu thuẫn trong gia đình, công sở và các mối quan hệ. Vậy làm sao để chúng ta nhận thức được giá trị tự thân của mình mà không cần dựa vào sự công nhận từ người khác?

Con người chúng ta khao khát sự công nhận từ người khác và lấy nó làm thước đo giá trị của bản thân mà quên mất mình có nhiều giá trị tự thân.
Soi tâm bằng cái nhìn tỉnh thức
Đứng trước câu hỏi: “Làm sao để soi tâm mình?”, Tiến sĩ trả lời là sự quan sát bên ngoài lẫn bên trong. Quan sát bên ngoài là việc soi chiếu cách người khác phản ứng với một sự việc, từ đó tự đối chiếu lại với bản thân. Ví dụ, ta thấy một người đối diện với khó khăn mà vẫn bình thản, trong khi mình lại giận dữ, đó chính là tấm gương phản chiếu tâm mình.

Một phương pháp khác để quan sát bên trong là thiền. Ông cho rằng nhiều người vẫn lầm tưởng rằng việc quay vào bên trong đồng nghĩa với việc tách biệt khỏi thế giới bên ngoài, buông bỏ trách nhiệm với gia đình, công việc hay xã hội. Họ hình dung việc thực hành thiền là phải rời bỏ tất cả, ẩn cư trên núi và chỉ tập trung vào tu tập. Nhưng trên thực tế, từ chiêm nghiệm của bản thân, ông nhận ra rằng “thiền chân chính không phải là quay lưng với cuộc sống, mà là sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc, tỉnh thức với mọi điều diễn ra xung quanh”.
Điều đặc biệt mà chỉ những ai thực sự sống trọn vẹn trong từng giây phút mới có thể cảm nhận được, như cách Tiến sĩ mô tả đó là: “Khi tâm trí hoàn toàn an trú trong hiện tại, mọi hành động của chúng ta sẽ diễn ra theo cách đúng đắn và tự nhiên nhất”. Chỉ khi sống tỉnh thức, có sự chú tâm thì tâm ý bên trong và hành động bên ngoài mới được hợp nhất. Khi đó, những hành động của ta luôn mang lại kết quả tốt nhất cho mình và những người xung quanh. Đây chính là con đường để ta soi chiếu và nhìn ra giá trị tự thân của mình.

Thiền chân chính không phải là quay lưng với cuộc sống, mà là sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc, tỉnh thức với mọi điều diễn ra xung quanh.
Điểm đặc biệt khi thực hành thiền chính là sự tập trung không đi kèm căng thẳng. Một thiền gia thực thụ không hề cố gắng để tập trung, họ chỉ đơn giản là buông bỏ tất cả những lo âu, những kỳ vọng, sự chờ đợi được công nhận từ bên ngoài. Nó giống trong một căn phòng rộng có nhiều bàn ghế lộn xộn che khuất không gian trống trải. Khi dọn sạch đi, ta mới nhận ra khoảng không đó vốn luôn tồn tại. Tương tự, sự tập trung không phải là thứ ta cần tạo ra, mà nó vốn có sẵn trong tâm trí, điều duy nhất ngăn cản chúng ta chính là những lo âu, bất an. “Khi những đám mây tan đi, bầu trời xanh sẽ hiện ra, cũng như khi ta buông bỏ lo lắng, sự tỉnh thức sẽ tự nhiên xuất hiện”, ông lý giải.
Do đó, sống tỉnh thức là biết chấp nhận và hòa mình vào cuộc sống với một tâm thế trọn vẹn. Không lo lắng về tương lai, không tiếc nuối quá khứ, chỉ đơn giản là sống đúng với khoảnh khắc hiện tại, khi đó, mọi hành động và cách ta thể hiện đều đúng đắn nhất.

Để theo dõi đầy đủ cuộc trò chuyện của Tác giả, Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách về chủ đề soi chiếu nội tâm trong chương trình The Quoc Khanh Show, bạn có thể nhấn vào đây.
Thảo luận về bài viết