Khi công nghệ và thông tin ngày càng phát triển trong thời đại số, “nhà” vẫn giữ vai trò quan trọng trong quá trình giáo dục người trẻ. Sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại chính là chìa khóa mở ra tương lai xán lạn, nơi mỗi cá nhân đều tự tin và biết trân trọng cội nguồn của mình.
Trong không khí ấm áp của những ngày đầu năm mới, dịp Tết không chỉ là thời gian để mọi người đoàn viên, mà còn là cơ hội để nhìn lại và suy ngẫm về những giá trị trường tồn của gia đình và xã hội. Làm cách nào biến các giá trị gia đình trở thành ngọn đuốc soi đường cho thế hệ kế thừa? Sự kết hợp giữa giáo dục truyền thống và hiện đại tạo nên áp lực hay động lực cho hành trình “tiếp nối để trường tồn”? Trong chương trình Vietsuccess Tết 2025 “Go Big Then Go Home” với chủ đề “Thắp lửa kế nghiệp cho người trẻ từ triết lý giáo dục xuyên thế hệ”, thạc sĩ Brian Le, Giám đốc Điều hành Trường Quốc tế TIS, sẽ mở ra những góc nhìn thú vị về hành trình “giữ lửa” gia nghiệp nhưng vẫn chuyển mình để theo kịp bước chân của thời đại dưới sự tác động nhiều chiều của giáo dục.
Kế nghiệp là tiếp lửa cho truyền thống giáo dục sâu sắc

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống lâu đời về giáo dục, cho đến nay, nhiều thế hệ thành viên trong gia đình thạc sĩ Brian Le vẫn đang chắp cánh cho hàng ngàn thế hệ học sinh chạm đến bến bờ tri thức. Cụ thể, trong suốt hàng thập kỷ đồng hành cùng nền giáo dục Việt Nam, hơn 100 cơ sở giảng dạy tiếng Anh tại TP.HCM bao gồm Trường Ngoại ngữ Không Gian, Trường Ngoại ngữ Thần Đồng cùng nhiều cơ sở giảng dạy kỹ năng sống và toán tư duy của bác cả, Giáo sư – Tiến sĩ Lê Hoàng Tuấn Huy đã và đang không ngừng khẳng định vị thế hàng đầu trong sự nghiệp đào tạo Anh ngữ tại Việt Nam.
Là một trong những lá cờ đầu của ngành giáo dục, Nhà giáo ưu tú Lê Đức Hân – nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Gò Vấp), người bác đáng kính trong gia đình có bề dày về giáo dục cũng đã dành hơn 40 năm tâm huyết cho sự nghiệp trồng người với phương châm “tất cả vì học sinh thân yêu”. Và trong hành trình đóng góp cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam, không thể không nhắc đến ba của anh, Tiến sĩ Lê Đức Ánh, nguyên Hiệu trưởng Trường Quốc tế TIS, người đắp nền những viên gạch đầu tiên cho Trường Quốc tế TIS, một trong những trường tư thục liên cấp tiên phong tại TP.HCM từ năm 1999.
Quyết định trở về Việt Nam viết tiếp truyền thống gia đình sau thời gian dài học tập tại Mỹ, thạc sĩ Brian Le luôn không ngừng sáng tạo, tích hợp các mô hình giáo dục tiên tiến tại Hoa Kỳ trong quá quản trị và phát triển TIS để đáp ứng những tiêu chuẩn giáo dục toàn cầu. Dù vậy, thành công cũng song hành cùng thách thức. Một trong những thử thách lớn nhất của thế hệ chuyển giao là làm sao truyền tải những giá trị cốt lõi của nghề dạy vào giáo dục thời đại mới.
Bản địa hóa tri thức trên hành trình vươn ra biển lớn

Trong thời đại công nghệ 4.0, việc áp dụng triết lý giáo dục xuyên thế hệ vào thực tiễn giáo dục cũng cần sự đổi mới. Các chương trình học cần được thiết kế linh hoạt, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giúp người trẻ có cơ hội khám phá và phát triển bản thân. Môi trường học tập tích cực sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và ươm mầm khát khao học hỏi của thế hệ trẻ. Chính vì vậy, trong suốt quá trình làm việc trong lĩnh vực giáo dục và quản lý Trường quốc tế TIS, thạc sĩ Brian Le luôn đặt ra câu hỏi về sự thay đổi của thế giới và cách đưa triết lý giáo dục truyền thống phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội hiện đại.
Do đó, tại TIS, thạc sĩ Brian Le đã tập trung xây dựng môi trường học tập cá thể hóa, nơi mỗi học sinh đều được hỗ trợ để phát huy tối đa thế mạnh của bản thân. Các hình thức học tập theo dự án, “game hóa” trong giảng dạy,… cũng được TIS tích hợp nhằm tạo nên sự mới mẻ cho học sinh. Bởi lẽ“Giáo dục hiện tại chỉ nói đến mục tiêu thôi là chưa đủ. Cách làm thực ra lại là yếu tố mà quan trọng mà chúng ta cần phải quan tâm,” anh Brian khẳng định.
Mặt khác, trong dòng chảy tri thức toàn cầu, làm thế nào để trang bị đầy đủ các kiến thức và kỹ năng để mở rộng cánh cửa hội nhập quốc tế cho học sinh mà không làm mai một bản sắc vốn có luôn là câu hỏi đau đáu trong lòng mỗi người làm giáo dục. “Các giá trị truyền thống phải có mặt ở những trường quốc tế tại Việt Nam,” anh Brian nhấn mạnh.
Do vậy, bản địa hóa tri thức cũng được chú trọng trong giảng dạy để đảm bảo lộ trình phát triển toàn diện dành cho học sinh. Việc đan xen các kiến thức thực tiễn mang đậm bản sắc dân tộc bên cạnh việc cung cấp những kỹ năng cấp tiến để hội nhập toàn cầu là một trong những ưu tiên tại các chương trình học ở TIS. Chẳng hạn, biến đổi khí hậu sẽ tác động như thế nào đến nông nghiệp Việt Nam? Xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long liệu có liên quan đến việc Trái Đất đang nóng lên từng ngày? Việc kết hợp kiến thức thế giới với sự hiểu biết về trải nghiệm địa phương không chỉ cung cấp kiến thức, mà còn góp phần làm dày hơn các giá trị gốc rễ cho thế hệ học sinh hiện đại.
Giáo dục không chỉ là giảng dạy, mà còn là kết nối

Tự hào là thế hệ thứ tư kế thừa và tiếp nối truyền thống giáo dục, khi mà sự nghiệp dạy học đã trở thành một phần không thể thiếu trong huyết mạch của gia đình, thạc sĩ Brian Le cũng phải thừa nhận rằng “Sự khác biệt trong các thế hệ chắc chắn là điều mà những người kế nghiệp đều nhận thấy.” Không chỉ là sự khác biệt, áp lực kế nghiệp cũng là thử thách cần vượt qua. Đặc biệt là khi gia đình đã tạo dựng nên một cơ đồ lớn lao.
“Những cái bóng quá lớn” từ thế hệ đi trước luôn hiện hữu trong tâm trí những người kế nghiệp. Việc gánh vác trọng trách “tiếp nối để trường tồn” đôi khi khoác lên thế hệ kế thừa một chiếc áo quá rộng bị đè nặng bởi những kỳ vọng. Thế nhưng, điều đặc biệt là Brian Le không nhìn nhận điều này như một gánh nặng mà là một động lực để không ngừng phát triển. “Tự hào và áp lực luôn tồn tại song song”, anh cho biết. Chính những kỳ vọng từ gia đình, từ những thành tựu trước đó đã không ngừng thúc đẩy bản thân anh và đội ngũ kế thừa nỗ lực hơn trong công việc, luôn tìm cách để không làm mất đi những giá trị mà gia đình đã dày công xây dựng.
Dẫu cho triết lý giáo dục sẽ thay đổi theo thời gian, và góc nhìn đa chiều ở mỗi thế hệ tồn tại sự khác biệt, duy chỉ có giá trị cốt lõi của nghề giáo là không suy suyển. Trong khi công nghệ và trí tuệ nhân tạo đang thay đổi cách chúng ta học và dạy, mối quan hệ giữa người thầy và học trò vẫn là yếu tố không thể thay thế. Bởi lẽ đó, một nền giáo dục dựa trên việc xây dựng mối quan hệ giữa người dạy và người học trở thành gốc rễ mà chính anh và đội ngũ TIS đã và đang nỗ lực giữ lấy từng ngày.
Từ những tấm gương trong gia đình và những suy ngẫm về sự nghiệp nuôi dưỡng những giá trị tốt đẹp của con người, thạc sĩ Brian Le nhấn mạnh rằng giáo dục không chỉ đơn giản là truyền đạt kiến thức mà còn là sự kết nối, truyền cảm hứng và trao truyền định hướng đúng đắn cho học sinh. Trong môi trường giáo dục hiện đại, vai trò của người thầy ngày càng trở nên đa dạng và phong phú hơn.
Có thể thấy, những bài học quý giá từ thế hệ đi trước không chỉ giúp người trẻ hiểu rõ hơn về tầm nhìn và sứ mệnh của cơ đồ gia nghiệp, mà còn đúc rút những kinh nghiệm quý báu tạo nên nền tảng vững chắc cho hành trình kế nghiệp. Do đó, để có thể duy trì sự phát triển bền vững, mỗi thế hệ cần phải tự tạo ra sự khác biệt. Sự kế thừa không chỉ đơn thuần là việc giữ lại những gì đã cũ, mà còn là việc sáng tạo, phát triển thêm những giá trị mới, phù hợp với bối cảnh và thời đại mới.
Câu chuyện của thạc sĩ Brian Le là minh chứng sống động về sức mạnh của triết lý giáo dục xuyên thế hệ và cách mà gia đình có thể trở thành nền tảng vững chắc để thế hệ trẻ tiếp tục kế thừa và phát huy. Áp lực kế nghiệp là không nhỏ, nhưng nếu biết cách nhìn nhận đúng đắn, những giá trị gia đình sẽ trở thành nguồn động lực lớn lao, thúc đẩy mỗi cá nhân không ngừng phấn đấu và sáng tạo để trở thành phiên bản tốt hơn mỗi ngày. Và để lắng nghe nhiều hơn những chia sẻ đầy tâm huyết của thạc sĩ Brian Le, mời các bạn tìm nghe trong tập 2 của chuỗi series podcast Tết 2025 “Go Big Then Go Home” từ Vietsuccess tại đây.
Thảo luận về bài viết