Chuyên gia Kinh tế Phan Chánh Dưỡng – Người luôn được biết đến với tên gọi “Kiến trúc sư trưởng khu Nam Sài Gòn” bày tỏ “Khi nói đến chính sách cần phải hòa mình vào đời sống của người dân cơ. Phải sống như người dân thì mình mới biết, chính sách đó, còn thiếu gì.” Thế nhưng, làm sao để giúp Lãnh đạo và Nhân dân có thể hòa cùng một nhịp thở?
Tầm nhìn xa bắt nguồn từ một ước mơ
Ngược dòng ký ức, cuộc trò chuyện cùng Chuyên gia Kinh tế Phan Chánh Dưỡng bắt đầu bằng những thước phim hoài niệm về một Nhà Bè xưa cũ với vũng lầy lau sậy cách đây hơn 30 năm. Nhà Bè ngày đó trong tiềm thức của nhiều người gắn liền với chữ nghèo, mà khi nhớ lại, ông còn in đậm hình ảnh “Nghèo đến nỗi mà, có cho địa chỉ cũng không ai tìm được.”
Những đêm dài trước ngày đổi mới, hình ảnh những lớp học được định giờ theo con nước “Nước lớn, nước ròng. Hễ nước lên thì vào học” ở Nhà Bè và câu chuyện về cậu học trò nghèo chỉ dám ước mơ mai sau được làm nghề chằm lá, chỉ vì “lội sình bắt tôm bắt cá lạnh lắm” như cái gai nhỏ cứ âm ỉ trong lòng người thầy giáo. Ông xót lòng “Trẻ em sống ở Nhà Bè cũng là sống trong TP.HCM, ước mơ chỉ làm nghề chằm lá, thì đau không?”
Nhận thấy Nhà Bè có địa hình tương tự với quê hương của mình ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, càng nung nấu trong lòng chuyên gia Phan Chánh Dưỡng ước mơ kiến thiết lại mảnh đất này. Chỉ dám giấu mơ ước ở trong lòng, vào những năm 1989, sau khi đất nước vừa mở cửa, có Luật Đầu tư, TP.HCM khuyến khích những sáng kiến thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài đổ về, chuyên gia Kinh tế Phan Chánh Dưỡng cùng một số cộng sự đã mạnh dạn và táo bạo đưa ra đề án xây dựng Khu Chế xuất Tân Thuận, Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Nhà máy điện Hiệp Phước và Khu Đô thị Phú Mỹ Hưng trên nền đất mềm tại Nhà Bè với quyết tâm đổi mới để tìm kiếm những đòn bẩy kinh tế mới cho nước nhà.
Qua từng đó năm trở mình, dải đất phía Nam thành phố từ khu đầm lầy ngập nước đã trở thành khu đô thị kiểu mẫu thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài mà cho đến nay, TP.HCM vẫn chưa thể có dự án nào tương tự. “Nó bắt đầu từ một ước mơ vô cùng xa, nhưng cứ đi rồi sẽ tới,” chuyên gia Phan Chánh Dưỡng bồi hồi khẳng định.
“Thích nghi để tồn tại” tưởng dễ mà khó
Trên chặng đường dài khai mở dải đất phía Nam, khó khăn là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt trong một hệ thống chính quyền vẫn còn nhiều rào cản ở giai đoạn đầu mở cửa. Điều mà không ít người thắc mắc là ông làm thế nào để thuyết phục hệ thống phá rào? Đối diện với câu hỏi tưởng dễ mà khó này, một kẻ sĩ trước thời cuộc đã kinh qua những thăng trầm trong suốt cả dòng chảy cuộc đời như chuyên gia Phan Chánh Dưỡng chỉ vỏn vẹn đáp “Thích nghi để tồn tại”.
Ông từ tốn cho hay, con người mình không ai chọn được cha mẹ và cũng không ai chọn được mình sinh ra ở đâu. Cho nên những cái mà mình không chủ động được gọi là “Tiên thiên”, có nghĩa là Trời Đất sinh ra mình như thế, mình không được chọn và mình phải gắn bó với “Tiên thiên” đó đến hết cuộc đời. Khi bắt đầu gắn bó với “Tiên thiên”, đó gọi là “Hậu thiên”, nghĩa là hãy thích nghi với “Hậu thiên” này để tồn tại và cứ tồn tại rồi thích nghi, cứ lặp đi lặp lại như thế, từ từ tiến lên.
Tương tự, dù không được sinh ra trong một gia đình giàu có, quyền thế, không có kinh nghiệm và cũng chưa làm được việc gì lớn lao cũng không sao cả. Như chuyên gia Phan Chánh Dưỡng chia sẻ, tất cả đều bắt đầu từ con số 0, nhưng mình cứ thích nghi rồi từ từ đi lên, hễ có khó khăn thì vượt qua khó khăn. Quá trình đó đã dạy cho chính ông bài học rằng “Khi tồn tại xã hội có những quyền lực như thế, mình làm bất cứ điều gì cũng đều phải hòa trong quyền lực đó.” Như vậy, mình cần hiểu quyền lực đó, hiểu rằng người ta đang làm những gì, đang lo âu cái gì, đang hướng đến điều gì để mình thích nghi với những điều đó. Bởi lẽ, “nếu không thích nghi được thì không tồn tại được,” ông nói.
Từ những đúc kết đó, chuyên gia Phan Chánh Dưỡng hiểu rằng, xã hội bao cấp thời đó vẫn còn phụ thuộc vào quốc dân và chưa thực sự cởi mở với tư doanh. Cho nên, để thuyết phục hệ thống cấp phép cho những phát kiến mới, cần phải giải được bài toán cân bằng lợi ích của các bên. Đó cũng là lý do mà sau khi nghiên cứu thật kỹ, chuyên gia Phan Chánh Dưỡng quyết định lựa chọn mô hình khu chế xuất mà không phải là khu công nghiệp.
Lý giải về lựa chọn này, ông cho biết, Nhà nước khi đó mặc dù mong muốn thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, nhưng vẫn còn e ngại sự cạnh tranh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong việc thu mua nguyên liệu đầu vào và xuất khẩu thành phẩm đầu ra với các doanh nghiệp trong nước. Bởi lẽ, “muốn làm cái gì cũng đừng uy hiếp được quốc doanh sản xuất của mình” chuyên gia Phan Chánh Dưỡng giải thích.
Trong khi, nếu xây dựng khu công nghiệp, họ sẽ được quyền mua nguyên liệu trong nước, được quyền sản xuất và bán ở trong nước. “Như vậy thì quốc dân của mình sẽ không thể cạnh tranh được,” ông nhấn mạnh. Vì máy móc của họ tốt hơn, kinh nghiệm của họ nhiều hơn và thị trường của họ lớn hơn. Do đó, mô hình khu chế xuất là phù hợp nhất với tình hình nước ta lúc bấy giờ. Khu chế xuất chỉ sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu, đồng thời xuất khẩu toàn bộ thành phẩm. Nhà đầu tư chỉ tận dụng được lợi thế cạnh tranh của Việt Nam bao gồm tiền thuê đất đai, giá lao động, chi phí điện nước, …
Dù vậy, nhìn lại quá trình thực địa, nghiên cứu, tính toán để thuyết phục các cấp Lãnh đạo tin tưởng và xuống tiền tại mảnh đất bùn nhão mà “thả con trâu xuống còn chìm” này là không hoang phí, chuyên gia Phan Chánh Dưỡng vẫn chân tình “Nếu không có những lãnh đạo thời đó ủng hộ, thì không thể nào phát triển như ngày nay,” để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước những thấu hiểu của hệ thống lãnh đạo đương thời, những người đã tin tưởng đặt bút ký giấy phép và giao trọng trách đó cho ông. Bởi lẽ, “Trong thể chế của mình, mọi sự phát triển đều có vai trò của Lãnh đạo. Chỉ cần mình cố gắng tìm hiểu những lãnh đạo lúc bấy giờ lo lắng điều gì, mình cố gắng giải thích được những lo lắng đó, thì họ sẽ đồng tình, cùng mình thực hiện,” ông nói. Để đến hôm nay, mảnh đất phía Nam thành phố đã thực sự chuyển mình, đầu tư từ các nơi đến, nguồn lao động từ xung quanh đổ về, thay đổi đến nỗi làm sững sờ cả những người đã được chứng kiến từng ngày.
Từ việc thay đổi tư duy mới sinh ra chính sách
Thật vậy, điều kiện đủ cho việc “phá rào” chính là lãnh đạo chịu lắng nghe. Vậy, có chăng chỉ cần lãnh đạo biết lắng nghe thôi là đủ? Theo đó, Chuyên gia Kinh tế Phan Chánh Dưỡng cho rằng, chỉ bấy nhiêu thôi là chưa đủ. Lãnh đạo cũng vẫn cần lắm những người dân sẵn sàng nói thẳng, nói thật để lãnh đạo thấu rõ sự tình. Như ông bày tỏ “Người lớn không phải không biết, có thể là họ không có điều kiện chứng kiến như mình thôi!” Cho nên, “Cứ cố gắng nói những gì mình thấy được.”
Cũng bày tỏ sự thông cảm và thấu hiểu, chuyên gia Phan Chánh Dưỡng cho hay “Những nhà lãnh đạo họ bận rộn lắm và họ không có điều kiện đi khắp mọi nơi như mình, chứ không phải là mình giỏi đâu.” Cho nên, hiền tài và người dân dù ở bất cứ vị trí nào, chỉ cần nói thật lòng những gì mình biết, những gì mình thấy mà mình nghĩ Lãnh đạo chưa có dịp thấy được, còn họ nghe, thấy và thực hiện được hay không lại còn phải tùy duyên.
Mặc khác, về phía các cấp Lãnh đạo, ông cũng kỳ vọng các nhà lãnh đạo khi ngồi một vị trí nào, cũng cần đặt tâm tư của mình vào người dân, rằng phải lo cho dân, thì sẽ nghĩ ra được cách để lo. Chứ đừng đợi đến khi tỏ tường mọi sự, “thì bao giờ mới tỏ tường đây?”, chuyên gia Phan Chánh Dưỡng chia sẻ. Đơn giản là, nhà lãnh đạo cần luôn tự vấn những điều mình thực hiện, những chính sách mình đề ra đã đúng hay chưa, đã giải quyết được cái khó của người dân hay chưa, đã chạm được đến cái ngặt nghèo của người dân hay chưa để còn sửa đổi.
Mà muốn làm được điều này, cần lắm sự thay đổi nơi tư duy của mỗi người, không chỉ riêng người dân mà còn cả trong vai trò của các cấp chính quyền. Bởi theo chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng “Người lãnh đạo đáng quý nhất là chịu nghe người nghèo,” bởi lẽ trung ngôn thường nghịch nhĩ, người dân nghèo thường nói chuyện bằng cảm xúc, không có đầu đuôi, rất khó nghe, nhưng chịu nghe thì mới cảm thấu được. Cũng tương tự, “muốn giải quyết đường lối chính sách tốt thì tư duy phải thông,” ông khẳng định. Vì từ tư duy mới sinh ra chính sách.
Hiện tại, dù đã nghỉ hưu nhưng Chuyên gia Phan Chánh Dưỡng vẫn gắn bó với mảnh đất Nam Sài Gòn qua công việc tại Quỹ Hỗ trợ Cộng Đồng Lawrence S.Ting và giảng dạy tại trường Kinh Tế Fulbright ở quận 7. Ẩn sau nụ cười chân thành và chất giọng hào sảng Nam Bộ ấy, vẫn thấp thoáng nỗi trăn trở về thời cuộc, về những hệ quả của sự phát triển nóng, đôi khi vượt tầm kiểm soát. Nền kinh tế non trẻ cần những ý tưởng phá rào, có tính chất thay đổi hệ thống nhưng cũng cần hướng đến sự bền vững và công bằng. Thử nghiệm mới tất nhiên sẽ đi kèm rủi ro và những sai lầm. Đó là lý do vì sao chúng ta cần những thế hệ đi sau tiếp tục đồi đắp, phát huy những di sản tích cực, nhân rộng những mô hình hiệu quả và khắc phục những điểm nghẽn. Trong một xã hội cần sự dung hòa giữa đức trị và pháp trị, cơ hội cho người hiền xuất thế sẽ tùy thuộc vào những người lãnh đạo có tầm nhìn và biết lắng nghe.
Và để cảm nhận đầy đủ những giá trị sâu sắc trên, mời các bạn cùng lắng nghe cuộc trò chuyện đầy đủ của host Quốc Khánh cùng Chuyên gia Kinh tế Phan Chánh Dưỡng trong chương trình The Quoc Khanh Show trên kênh Vietsuccess tại đây nhé!
Thảo luận về bài viết