Trong kỷ nguyên với nhiều biến động, bài toán đặt ra cho các lãnh đạo là làm sao để hoạch định hướng đi vững vàng cho đội ngũ nhân sự. Để thực hiện được trách nhiệm này, đâu là những hệ giá trị cần xây dựng? Đồng thời, chính sách phát triển nhân sự cần xây dựng thế nào để hòa hợp với tốc độ phát triển của doanh nghiệp?
Anh Nguyễn Khắc Nguyện, hiện đang là Phó Tổng Giám đốc mảng Nhân sự tại Ngân hàng ACB. Tại The Quốc Khánh Show, anh Nguyện đã có những chia sẻ giá trị về nghề nhân sự cùng host Quốc Khánh.
Trách nhiệm lớn nhất của người dẫn dắt đội ngũ nhân sự
Trong cuộc trò chuyện cùng host Quốc Khánh, khi được hỏi “Thực sự, làm nhân sự là làm gì?”, anh Nguyện chia sẻ 2 việc lớn mà người nhân sự cần hiểu và đảm đương. Thứ nhất, bánh lái mà người dẫn dắt đội ngũ cần giữ là con người. Trong đó, người nhân sự phải nắm được cơ cấu, số lượng và chất lượng nhân sự trong tổ chức để đảm bảo độ chắc chắn của đội ngũ trong suốt quá trình vận hành và phát triển doanh nghiệp.
Thứ 2, bên cạnh trách nhiệm quản lý sự phát triển của đội ngũ dựa trên dữ liệu, công thức, hay công nghệ, người làm nhân sự cũng cần quản lý tốt cảm xúc của mình để đưa ra quyết định đúng đắn. Theo anh Nguyện, trước khi ban hành bất kỳ quyết định gì, Giám đốc Nhân sự cần soi xét dưới góc độ của các nhân viên trong tổ chức. Câu hỏi mà người nhân sự cần đặt ra cho bản thân là: “Nếu mình là họ, mình sẽ cảm nhận như thế nào khi nhận được quyết định?” để đảm bảo toàn diện yếu tố “con người”. “Đây là điều quan trọng cuối cùng, quyết định thành công của người làm nhân sự”, anh Nguyện khẳng định.
Khả năng “sense-making” là yếu tố quyết định thành bại của người làm nhân sự.
Nguyễn Khắc Nguyện – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB
Một điều quan trọng mà anh Nguyện nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện sự kết nối giữa chính sách phát triển nhân sự với hướng đi của doanh nghiệp. Người đứng đầu bộ phận nhân sự cần hiểu được ngôn ngữ kinh doanh và diễn giải nó đúng với nghiệp vụ nhân sự để tạo nên sự đồng bộ giữa đội ngũ nhân sự và giá trị doanh nghiệp.
Những hệ giá trị cần củng cố để phát triển đội ngũ
Để xây dựng đội ngũ nhân sự vững vàng bất chấp biến động, người lãnh đạo cần liên tục gia cố hệ giá trị cốt lõi. Liên kết với câu chuyện của anh Nguyện, hệ giá trị cốt lõi mà ACB quyết tâm gìn giữ là sự chính trực. Tuy nhiên, làm thế nào để giá trị này không trở thành một lời nói suông là một bài toán khó. Đứng trước thách thức này, anh Nguyện đã đưa giá trị chính trực vào bộ quy tắc ứng xử, vào từng hoạt động của nhân sự, cũng như cách đưa ra quyết định của các lãnh đạo để thực sự chứng minh được sự chính trực len lỏi trong ADN của ACB.
“Trước hết, chính trực là sự minh bạch và sòng phẳng”, anh Nguyện khẳng định. Tức là, nếu điều gì có thể nói ra được thì phải nói ra được. Cụ thể, khi một người trở thành thành viên của ACB, thì tất cả nguyên tắc liên quan đến công tác nhân sự cần được hiểu và thông qua ở cả 2 phía: người đi làm và doanh nghiệp. Và, trong trường hợp rủi ro nhân sự không may xảy ra, thì trách nhiệm sẽ thuộc về cả Giám đốc Tuyển dụng lẫn nhân sự. “Chính trực không chỉ đến từ cá nhân ACB, mà còn ở tất cả nhân sự thuộc tổ chức”, anh Nguyện diễn giải.
Điều gì có thể nói ra được thì phải nói ra được và không quyết định nào không giải thích được!
Nguyễn Khắc Nguyện – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB
Bên cạnh giá trị của sự chính trực, anh Nguyện cũng đau đáu về sự phát triển bền vững của các nhân sự. Đối với anh, phát triển không chỉ dừng lại ở thu nhập, đời sống vật chất, mà còn là sự gắn bó đường dài với doanh nghiệp. Với vai trò là người làm nhân sự, anh Nguyện cho rằng mình cần nhìn thấy được tương lai của nhân sự trong vòng 3-5 năm tới tại doanh nghiệp để tận dụng đúng năng lực của nhân sự chứ không dùng họ như một công cụ. Đối với anh, điều quan trọng là làm sao để một người có thể học và trưởng thành cùng với sự lớn lên và phát triển của doanh nghiệp.
Hạn chế của một người ngoại đạo trong ngành nhân sự
“Có quá nhiều thứ mình không biết”, anh Nguyện bọc bạch sau quá trình đảm nhận vai trò nhân sự ở ACB với tư cách người ngoại đạo. Nhưng bù lại, anh luôn nhìn thấy cơ hội để học hỏi và lĩnh hội được kiến thức trong ngành. Thời điểm đó, anh Nguyện xem những nhân sự thâm niên tại ACB là người mà mình có thể dựa dẫm. Một KPI đặc biệt mà các nhân viên lâu năm được giao là trong vòng 3 tháng, có thể dạy anh hiểu được kiến thức liên quan đến Luật Lao động để cả hai có thể phối hợp tốt trong việc điều hành đội ngũ nhân sự. Với KPI này, cả người dạy lẫn học đều phải cùng phấn đấu cho một mục đích chung. Và cũng vì vây, sự gắn kết giữa các thế hệ nhân sự được hình thành.
Anh Nguyện chia sẻ rằng mình không gồng lên và cố tỏ ra mình biết. Ngược lại, anh cho phép mình mở rộng phạm vi học tập để củng cố vốn kiến thức liên quan đến nhân sự và nói được ngôn ngữ nhân sự. Một điều quan trọng là, anh không sao chép hoàn toàn ý kiến, cách làm từ bậc tiền bối mà sẽ soi chiếu và cân chỉnh cho phù hợp với thời thế để đưa ra quyết định đúng đắn.
Câu chuyện giữa host Quốc Khánh và khách mời Nguyễn Khắc Nguyện chưa khép lại ở đó, còn rất nhiều chia sẻ hay ho về những thách thức, thăng trầm trên hành trình 13 năm làm nhân sự của khách mời. Mời các bạn tiếp tục theo dõi The Quốc Khánh Show tại đây!
Thảo luận về bài viết