Ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu 720.300 tỷ đồng vào năm 2023, tăng 18% so với năm trước (theo báo cáo của Euromonitor). Sự mở rộng của thị trường cùng với tỉ lệ cạnh tranh ngày càng gay gắt, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược dài hạn để duy trì thương hiệu và mở rộng quy mô. Trong tập số 46 của Business Insights, anh Đỗ Duy Thanh – Giảng viên, Nhà tư vấn quản trị doanh nghiệp lĩnh vực F&B, Nhà sáng lập, Giám đốc FNB DIRECTOR đã chia sẻ góc nhìn sâu sắc về thị trường F&B tại Việt Nam, chiến lược xây dựng thương hiệu F&B bền vững, cũng như cách thức giúp doanh nghiệp Việt vươn tầm quốc tế.
Xu hướng phát triển của ngành F&B tại Việt Nam
F&B tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyên môn hóa và sáng tạo mạnh mẽ. Anh Duy Thanh chỉ ra rằng, xu hướng ẩm thực sáng tạo đang phát triển vượt bậc khi nhiều thương hiệu kết hợp các giá trị truyền thống với công nghệ chế biến hiện đại. Ví dụ mô hình các nhà hàng với những món ăn được nâng cấp, như phở cao cấp với mức giá hàng triệu đồng, sử dụng nguyên liệu nhập khẩu và công thức chế biến tinh tế. Cùng với đó, các nhà hàng chuyên biệt theo từng nền ẩm thực cũng đang chiếm lĩnh thị trường, điển hình là các mô hình Izakaya của Nhật hay hệ thống nhà hàng Teppanyaki mang đến trải nghiệm cao cấp cho thực khách.
Công nghệ cũng đang tái định hình ngành F&B khi các nền tảng số giúp tối ưu hóa quy trình vận hành. Hệ thống quản lý POS, CRM, cùng với các ứng dụng đặt món trực tuyến đang giúp doanh nghiệp kiểm soát dữ liệu khách hàng tốt hơn, cải thiện hiệu suất vận hành và tăng trải nghiệm cá nhân hóa cho thực khách. Theo nhận định của anh Duy Thanh: “Không phải chỉ những thương hiệu lớn mới cần công nghệ. Ngay cả các quán ăn nhỏ cũng có thể tận dụng phần mềm bán hàng để quản lý tốt hơn”.

“Không phải chỉ những thương hiệu lớn mới cần công nghệ. Ngay cả các quán ăn nhỏ cũng có thể tận dụng phần mềm bán hàng để quản lý tốt hơn”
Chiến lược xây dựng thương hiệu bền vững theo mô hình 9P
Một thương hiệu F&B muốn phát triển bền vững cần xây dựng trên nền tảng chiến lược dài hạn. Anh Duy Thanh nhấn mạnh tầm quan trọng của mô hình 9P, trong đó hai yếu tố cốt lõi là Philosophy (triết lý kinh doanh) và Positioning (định vị thương hiệu). Triết lý kinh doanh đóng vai trò quyết định trong việc định hướng vận hành, đảm bảo doanh nghiệp giữ vững bản sắc và giá trị cốt lõi. “Triết lý kinh doanh không phải chỉ là khẩu hiệu, mà phải được thể hiện qua từng hoạt động, từ cách phục vụ khách hàng đến cách quản trị doanh nghiệp”, chuyên gia chia sẻ.

Bên cạnh đó, định vị thương hiệu giúp doanh nghiệp xác định rõ phân khúc khách hàng, tạo sự khác biệt so với đối thủ. Một số thương hiệu thành công tại Việt Nam đã tận dụng tốt chiến lược này, như Highlands Coffee với mô hình quán cà phê hiện đại phục vụ giới trẻ hay các chuỗi nhà hàng chuyên biệt theo từng phong cách ẩm thực. Điều này cho thấy rằng, một thương hiệu muốn bền vững cần có sự nhất quán từ triết lý, sản phẩm đến cách thức truyền thông và vận hành.
Cơ hội và thách thức khi mở rộng thương hiệu F&B ra quốc tế
Các doanh nghiệp F&B ngày nay không chỉ tập trung vào việc củng cố vị thế trong nước mà còn chủ động tìm kiếm cơ hội mở rộng ra thị trường quốc tế. Việc đưa thương hiệu F&B Việt Nam ra thế giới không chỉ là một xu hướng mà còn là bài toán chiến lược dài hạn. Theo chuyên gia, có ba yếu tố quan trọng để một thương hiệu Việt có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Thứ nhất là tiêu chuẩn hóa quy trình vận hành, đảm bảo chất lượng đồng nhất tại mọi điểm bán. Thứ hai là nghiên cứu kỹ lưỡng thị hiếu bản địa để có sự điều chỉnh phù hợp nhưng vẫn giữ được bản sắc Việt. Và cuối cùng chính là chiến lược thương hiệu bài bản, giúp doanh nghiệp không chỉ tiếp cận khách hàng quốc tế mà còn tạo dựng lòng tin với đối tác và nhà đầu tư.
Anh Duy Thanh khẳng định rằng: “Chúng ta không chỉ mang ẩm thực Việt ra thế giới, mà phải mang theo cả văn hóa và câu chuyện thương hiệu. Một thương hiệu muốn tồn tại lâu dài ở thị trường quốc tế cần được xây dựng bài bản từ chất lượng sản phẩm, mô hình vận hành đến trải nghiệm khách hàng”. Một số thương hiệu Việt đã thành công trong việc chinh phục thị trường nước ngoài bằng cách kết hợp giữa giữ nguyên công thức truyền thống với sự linh hoạt điều chỉnh theo khẩu vị địa phương.

“Chúng ta không chỉ mang ẩm thực Việt ra thế giới, mà phải mang theo cả văn hóa và câu chuyện thương hiệu”
Để phát triển trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh, các doanh nghiệp F&B không chỉ cần sản phẩm tốt mà còn phải có chiến lược vận hành bền vững. Việc nắm bắt xu hướng, tận dụng công nghệ và chuẩn bị sẵn sàng cho những cơ hội mở rộng quốc tế sẽ giúp thương hiệu tạo dựng vị thế vững chắc. Để hiểu rõ hơn về những yếu tố then chốt trong xu hướng kinh doanh ngành F&B năm 2025, mời bạn theo dõi toàn bộ nội dung tập số 46 của Business Insights với chuyên gia Đỗ Duy Thanh tại đây.
Thảo luận về bài viết