Đổi mới sáng tạo là cụm từ liên tục được nhắc đến trong thời kỳ nhiều biến động, thế nhưng khi thực thi chiến lược đổi mới đâu là những sai lầm mà các lãnh đạo hay gặp phải?
Giáo sư Nguyễn Huy Quý hiện là giáo sư chiến lược tại INSEAD và Giám đốc Chương trình Thực thi Chiến lược của INSEAD. Ông đã công bố hơn 80 nghiên cứu về thay đổi chiến lược, thực thi chiến lược và đổi mới tổ chức. Nghiên cứu của ông đã giành được 11 giải thưởng quốc tế và được đăng trên các tạp chí học thuật hàng đầu.
Ở chương trình People Matter Mùa 2, Giáo sư Nguyễn Huy Quý đã chỉ ra những vấn đề mà các nhà lãnh đạo Việt gặp phải khi hoạch định, thực thi chiến lược chuyển hóa tổ chức.
1. Vạch ra chiến lược hào nhoáng trên giấy
“Sai lầm mà các lãnh đạo thường mắc phải khi thực hiện đổi mới tổ chức là hoạch định những chiến lược rất hào nhoáng trên giấy”, Giáo sư Nguyễn Huy Quý chia sẻ. Theo phương pháp quản trị từ trên xuống, nhà sáng lập là người đưa ra chiến lược và tầm nhìn nhưng nếu người triển khai ở cấp dưới không thật sự hiểu được tinh thần của chiến lược và không đủ năng lực thực thi sẽ dẫn đến thất bại.
Chiến lược đổi mới tổ chức cần có tính khả thi, đi kèm với kế hoạch triển khai cụ thể thay vì vạch ra những tuyên bố đầy tham vọng.
Sai lầm mà các lãnh đạo thường mắc phải khi thực hiện đổi mới tổ chức là hoạch định những chiến lược rất hào nhoáng trên giấy.
2. Không phát triển và đào tạo quản lý cấp trung
Bên cạnh kế hoạch cụ thể, tổ chức cần có nhân sự đủ năng lực để triển khai chiến lược đề ra. Đặc biệt nếu mở rộng quy mô công ty hay tham gia vào thị trường kinh doanh quốc tế, nguồn lực này càng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, khi thực hiện nhiều bài nghiên cứu, Giáo sư Nguyễn Huy Quý nhận ra rằng: “Hầu hết các công ty ở châu Á chưa chú trọng phát triển nhóm nhân sự quản lý cấp trung và chương trình đào tạo cũng chưa đủ toàn diện”.
Từ góc độ quản trị doanh nghiệp, khi công ty càng phát triển nóng, mở rộng liên tục thì nguy cơ phá sản càng nhanh vì họ không kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Đây không chỉ là câu chuyện của công ty non trẻ mà thậm chí các doanh nghiệp đã thành công cũng quên mất bài học này. Boeing là ví dụ điển hình với thất bại của máy bay 737-8 MAX. Nguyên nhân ẩn sâu bên trong là vì họ đã loại bỏ quản lý cấp trung trong 10 năm, dẫn đến việc không nhận diện và giải quyết vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm, gây ra những sai sót nghiêm trọng.
Hầu hết các công ty ở châu Á chưa chú trọng phát triển nhóm nhân sự quản lý cấp trung và chương trình đào tạo cũng chưa đủ toàn diện.
Giáo sư Nguyễn Huy Quý
Vai trò của quản lý cấp trung là người kết nối, phối hợp các bộ phận trong công ty với nhau, phụ trách triển khai và điều phối công việc. Nếu quản lý cấp cao tập trung vào hoạch định chiến lược thì quản lý cấp trung sẽ triển khai chiến lược đó sao cho phù hợp với công ty. Vì vậy, nếu không tập trung phát triển nhân sự quản lý cấp trung thì những chiến lược hào nhoáng sẽ mãi là chiến lược nằm trên giấy hoặc triển khai không thành công.
3. Không tạo môi trường làm việc an toàn về mặt tâm lý
Một vấn đề khác khi hoạch định và triển khai chiến lược là các công ty thường không quan tâm đến yếu tố cảm xúc của nhân viên. Nhân viên sợ báo tin xấu cho sếp, cố gắng che giấu lỗi lầm dẫn đến việc những vấn đề nhỏ tồn đọng trở thành khủng hoảng lớn. Giáo sư Amy Edmondson thuộc đại học Harvard gọi đây là vấn đề “An toàn về mặt tâm lý”.
“Trong văn hóa Á châu, ta được dạy phải nhạy cảm với cảm xúc của người khác, nhưng trong kinh doanh, yếu tố cảm xúc thường bị bỏ qua. Điều này tạo ra sự mâu thuẫn trong cách quản lý”, Giáo sư Huy Quý nhận định. Một lối quản lý cứng nhắc vẫn còn tồn tại ở nhiều doanh nghiệp ngày nay là: “Tôi trả lương cho bạn thì bạn phải làm việc mà tôi yêu cầu”. Điều này tạo ra sự mất an toàn về mặt tâm lý trong quá trình làm việc giữa các nhà quản lý và nhân viên. Sự an toàn tâm lý không phải là sự thỏa hiệp, mà là việc đối xử tôn trọng và bình đẳng với nhau.
Trong văn hóa Á châu, ta được dạy phải nhạy cảm với cảm xúc của người khác, nhưng trong kinh doanh, yếu tố cảm xúc thường bị bỏ qua. Điều này tạo ra sự mâu thuẫn trong cách quản lý.
4. Chưa hiểu đủ về đổi mới sáng tạo
Giáo sư Huy Quý nhận thấy nhiều công ty ở Việt Nam và châu Á chưa hiểu đủ về đổi mới sáng tạo. Ông thường đưa ra bài kiểm tra bằng cách: “Hãy cho tôi biết công ty bạn đang thực hiện điều gì để tạo ra sự thay đổi về chất lượng cuộc sống cho nhân loại?”.
Ví dụ, Google tìm kiếm giúp ta tra cứu, tìm kiếm thông tin một cách dễ dàng và tiện lợi. Hay điện thoại di động đã thay đổi cuộc sống của chúng ta nhiều như thế nào. Ta có thể gọi taxi, gọi đồ ăn, giao tiếp với nhau một cách rất dễ dàng.
Hãy cho tôi biết công ty bạn đang thực hiện điều gì để tạo ra sự thay đổi về chất lượng cuộc sống cho nhân loại?
Giáo sư Nguyễn Huy Quý
Đổi mới sáng tạo không chỉ là ứng dụng công nghệ mới mà còn phải kiến tạo sự thay đổi tích cực cho nhân loại, bắt đầu từ việc tạo ra sản phẩm hữu ích, mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
Mời các bạn theo dõi thêm những phần chia sẻ khác của Giáo sư Nguyễn Huy Quý trong chương trình People Matter Mùa 2 tập 1 tại đây.
Thảo luận về bài viết