Trong kỷ nguyên VUCA, khả năng thích ứng và thay đổi là yếu tố quan trọng để thành công trong mọi lĩnh vực. Thực tế cho thấy, thay đổi hiệu quả không thể xảy ra nếu nhà lãnh đạo không có tư duy linh hoạt và sẵn sàng thay đổi.
Thế giới đang thay đổi như thế nào?
Covid-19 xuất hiện và khiến thế giới ngày nay trở nên khó lường hơn: từ lạm phát leo thang, đứt gãy chuỗi cung ứng đến biến động cơ cấu nguồn nhân lực. Thế nhưng, giới chuyên gia nhận định tốc độ thay đổi này sẽ còn tiếp tục gia tăng, phức tạp hơn và khó đoán định hơn nữa.
Chia sẻ trực tuyến với các doanh nghiệp tại sự kiện “Thích ứng nhanh, thay đổi lớn” do công ty NEWING tổ chức, ông Nick Petschek, Giám đốc điều hành của Kotter cho hay:“Dự đoán chính xác điều gì sẽ thay đổi là điều gần như không thể, nhưng chỉ cần chúng ta ý thức được mọi thứ sẽ thay đổi, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động thích ứng”.
Vì thế, trước những biến động từ kinh tế thế giới và rủi ro nội tại, các doanh nghiệp bắt buộc phải thay đổi nhanh chóng để thích ứng với mọi hoàn cảnh. Ông Nick Petschek cũng cho biết thêm: “Để tạo ra chiến lược dẫn dắt tổ chức vượt qua giai đoạn khó khăn, việc nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng. Những thay đổi mang tính quyết định này không chỉ đem đến cơ hội mà còn cả thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động thích ứng để dẫn dắt thị trường”.
Để dẫn đầu trong thời đại khó lường và biến động
Mặc dù việc thay đổi, thích ứng là cực kỳ quan trọng với bất kỳ lãnh đạo cũng như doanh nghiệp nào hiện nay. Tuy nhiên, sự thay đổi ở quy mô lớn đòi hỏi một phương pháp khoa học để đạt được thành công bền vững.
Chia sẻ tại chương trình, ông Bruno Anjos – Giám đốc Phát triển kinh doanh của Học viện NeuroLeadership cho biết, có 2 lý do khiến một công ty thất bại sau thời gian tăng trưởng, chính là sự thành công trong quá khứ và khả năng dẫn dắt đội ngũ thích ứng với sự thay đổi.
Theo ông Anjos, có 3 cách tiếp cận quan trọng để tạo ra thay đổi ở quy mô lớn. Đây là những yếu tố quan trọng để khởi đầu, duy trì và củng cố quá trình thay đổi.
1. Ưu tiên – “Lý do” châm ngòi cho hành động:
Để tạo ra thay đổi ở quy mô lớn, cần lựa chọn và ưu tiên những mục tiêu và hành động quan trọng nhất. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải trả lời được câu hỏi vì sao phải thay đổi, lợi ích của sự thay đổi này là gì và nếu không thay đổi, doanh nghiệp mất gì?
Mặt khác, cũng không ít doanh nghiệp chỉ tập trung vào các lý do và động cơ, khiến đội ngũ choáng ngợp vì có quá nhiều sự ưu tiên. Cụ thể, nghiên cứu từ Học viện NeuroLeadership chỉ ra rằng, hơn một nửa số nhân viên không biết họ cần phải làm gì khác đi. “Không biết phải làm gì là một mối nguy rất lớn đã và đang tồn tại trong nhận thức và hành vi của nhân sự trong quá trình thay đổi,” ông Anjos chia sẻ.
Do đó, khi đặt ra nguyên tắc để chia sẻ giá trị, chỉ nên dừng ở 3 giá trị hoặc 3 nguyên tắc thực hành để dễ dàng ưu tiên áp dụng. Các giá trị nên dễ nhớ và dễ thực hiện. Sự rõ ràng này giúp nhân viên hình dung được những gì họ cần làm và dễ dàng mang đến hiệu quả.
2. Thói quen – “Hành động” để đạt được lý do:
Thói quen đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra thay đổi ở quy mô lớn. Tuy nhiên, thói quen này sẽ được kích hoạt tốt hơn khi mọi người có hiểu biết sâu sắc về nó. Vậy nên, doanh nghiệp cần trang bị những thay đổi trên cho nhân viên ngay cả trong tiềm thức.
Theo đó, 95% hoạt động của não bộ là vô thức. Cho nên, khi thực hành quản lý và lãnh đạo, hãy đồng thời gợi ý cho nhân việc thực hành tiềm thức và thói quen. Ví dụ, hãy nhắc nhở và nhấn mạnh về những thay đổi trong công ty tại mỗi buổi họp; trao đổi và nhắc nhở họ về những thay đổi đang diễn ra trong công ty.
Thông qua sự chú ý và lặp lại trong một khoảng thời gian nhất định sẽ tạo nên thói quen thay đổi trong chính tiềm thức của nhân viên. “Làm sao để ngay cả khi gặp áp lực người ta cũng nghĩ đến được!”, ông Anjos nhấn mạnh. Thói quen này sẽ giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu và duy trì sự thay đổi trong thời gian dài.
3. Hệ thống – “Môi trường” củng cố hành động:
Hệ thống là yếu tố then chốt, có thể tạo điều kiện hoặc gây trở ngại cho sự thay đổi. Không ít ví dụ về những tổ chức có hệ thống đi ngược lại với sự thay đổi mà họ muốn có. Do đó, để đảm bảo rằng sự thay đổi được duy trì và phát triển, doanh nghiệp cần xây dựng một hệ thống mạch lạc và nhất quán. Hệ thống này cần điều chỉnh toàn diện và đồng bộ với các thói quen bao gồm kế hoạch nhân sự, chiến lược tuyển dụng và đào tạo,…
Để giữ sự nhất quán cả về hành vi và kỳ vọng là rất khó. Vậy nên, các doanh nghiệp cần thiết kế sự thay đổi chi tiết một cách cẩn trọng; cần hiểu được họ đang đối mặt với vấn đề nào và bây giờ nên ưu tiên những vấn đề nào nhằm cho kế hoạch hành động cụ thể.
Điều này có thể bao gồm việc tạo ra các cơ chế phản hồi và đánh giá trong doanh nghiệp, thiết lập cấu trúc và quy trình rõ ràng, đồng thời xây dựng một môi trường thích hợp để thúc đẩy hành động tích cực. Nếu được vậy, hệ thống này sẽ giúp duy trì sự thay đổi, khắc phục các trở ngại và tạo ra một môi trường ủng hộ cho những hành động mới.
Thay đổi phải bắt đầu từ tư duy của người lãnh đạo và đội ngũ
Để có được ngày hôm nay, chúng tôi phải liên tục thay đổi
Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ)
Vậy đâu là yếu tố dẫn dắt sự thay đổi thành công? Trả lời câu hỏi này, bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ) cho hay: Có 2 yếu tố tiên quyết để tái cấu trúc thành công dựa trên quan điểm của PNJ:
– Thứ nhất, phải bắt đầu từ tư duy của người lãnh đạo và đội ngũ. Suốt 35 năm qua, PNJ luôn xác định rõ mục tiêu cho sự thay đổi và giải thích rõ cho tất cả nhân viên của mình thấu hiểu về tầm quan trọng và sự cần thiết cho những thay đổi. Bởi mục tiêu và tư duy không rõ ràng sẽ dẫn dắt đội ngũ sai đường.
– Thứ hai, quá trình chuyển đổi không hề đơn giản mà gặp rất nhiều khó khăn và thử thách. Để thành công phải có sự kiên định, quyết tâm với mục tiêu đã đề ra để không bị đứt gãy giữa đường. Mặt khác, phải là một công ty có văn hóa mạnh. Bởi, chính con người, văn hóa doanh nghiệp và lòng tin đã giúp công ty hài hòa giữa đội ngũ nòng cốt và nhân sự mới để thích nghi với sự chuyển dịch.
Đồng quan điểm với bà Dung, anh Nguyễn Trọng Tấn – TGĐ Chợ Tốt cũng nhận định: “Mình muốn công ty phát triển thì người đầu tiên thay đổi phải là mình.”
Cụ thể, anh Tấn chia sẻ, thay đổi không chỉ là việc thích ứng với những xu hướng ngắn hạn, mà còn là việc xây dựng kế hoạch đổi mới bền vững. Theo đó, ban lãnh đạo của Chợ tốt đã xác định được mục tiêu và hướng đi dài hạn cho công ty, thông qua việc đọc hiểu xu hướng thị trường. Đồng thời, thiết lập các bước đi cụ thể để đạt được mục tiêu đó.
“Mình phải làm sao để giúp mọi người tin là nó sẽ thay đổi”, anh Tấn nói. Để thực hiện việc này, Chợ Tốt đã tạo ra một môi trường hỗ trợ sự thay đổi và thúc đẩy nhân viên giao tiếp hiệu quả nhằm truyền tải tầm nhìn và động lực một cách đúng đắn nhất. Nhờ vậy, Chợ Tốt đã tạo ra một chiến lược linh hoạt và sẵn sàng thay đổi khi cần thiết để thích ứng với môi trường kinh doanh đổi thay nhanh chóng.
Chia sẻ về câu chuyện thay đổi và thích ứng nhanh trong quản trị doanh nghiệp, chị Phạm Thị Thanh Ngân, Giám đốc ngành hàng Công ty Decathlon Việt Nam cũng khẳng định tái cấu trúc doanh nghiệp là nền tảng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trước mọi bối cảnh.
Theo chị Ngân, trước đây Decathlon chỉ phân phối sản phẩm qua hệ thống các cửa hàng, nhưng trong thời gian dịch bệnh, để đảm bảo kế hoạch tăng trưởng, công ty đã tăng tỷ trọng bán hàng trực tuyến. Đồng thời, ưu tiên đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy trong giai đoạn này khi cung ứng hàng ra 60 quốc gia khác nhau. Việc thay đổi thích ứng nhanh đã giúp tập đoàn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong giai đoạn qua.
“Sau giai đoạn dịch bệnh, chúng tôi rút ra được bài học, doanh nghiệp muốn thành công thì phải có nền tảng văn hóa doanh nghiệp với các giá trị cốt lõi riêng. Doanh nghiệp phải có chiến lược ưu tiên rõ ràng cho từng giai đoạn và định kỳ tập trung vào các hành động, giải pháp triển khai thì sẽ thích ứng được với các biến động mạnh”, chị Ngân cho hay.
Có thể thấy, những bài học từ các doanh nghiệp đã tái cấu trúc thành công sẽ là “tấm gương” cho các doanh nghiệp chưa sẵn sàng tham gia vào tái cấu trúc noi theo và nhanh chóng học hỏi, ứng dụng để sớm có những thành công. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp tăng sức chống chọi trên thị trường, mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và tạo động lực phát triển ổn định.
Sự kiện “Thích ứng nhanh – Thay đổi lớn” do Newing tổ chức là chương trình quy tụ nhiều chuyên gia dày dặn kinh nghiệm về phát triển lãnh đạo và quản trị sự thay đổi trong tổ chức, mang đến góc nhìn đa chiều, kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn. Thông qua chương trình, các doanh nghiệp tham gia đã cùng nhau lắng nghe chia sẻ, thảo luận về: Các chiến lược dẫn dắt sự thay đổi trong tổ chức, trong thời kì biến động như hiện nay; Câu chuyện thực tế và kinh nghiệm trong quá trình thích nghi và thay đổi để dẫn dắt đội ngũ; Phương pháp khoa học để thay đổi tổ chức trên quy mô lớnChương trình với sự góp mặt của các khách mời là lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành như: – Bà Nguyễn Thị Minh Giang – Đồng sáng lập Công ty TNHH Newing – Bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) – Bà Phạm Thị Thanh Ngân – Giám đốc Ngành hàng Công ty Decathlon Việt Nam – Ông Nguyễn Trọng Tấn – Tổng Giám đốc Chợ Tốt- Ông Bruno Anjos – Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Học Viện NeuroLeadership – Ông Nick Petschek – Giám đốc điều hành của Kotter Ngoài ra, sự kiện còn có sự tham gia của hơn 200 lãnh đạo các doanh nghiệp tại Việt Nam. |
Thảo luận về bài viết