Bàn về vai trò của tâm lý học đối với lãnh đạo, trong tập mới nhất của Vietsuccess Growth, T.S. Lê Nguyên Phương – Tiến sỹ Lãnh đạo Tâm lý và Giáo dục, Đại Học Southern California đã bắt đầu bằng việc chỉ ra một lỗi nguỵ biện phổ biến: “Sao học tâm lý mà không tâm lý?
“Sao học tâm lý mà không tâm lý?” là một lỗi nguỵ biện.

Đây là một câu hỏi mang lỗi nguỵ biện. Vô thức hay hữu thức, người nói đã nhầm lẫn hai ý nghĩa: tâm lý học (psychology), và tâm lý (psyche). Một người có thể học tâm lý rất giỏi nhưng có thể từ chối sử dụng các kiến thức, kỹ năng của mình để tác động, thao túng người khác. Vì vậy, học tâm lý không nhất thiết phải tâm lý. – T.S. Lê Nguyên Phương
Bốn mục đích của tâm lý học
Tâm lý học có bốn mục đích quan trọng:
- Mô tả: Một trong những mục tiêu đầu tiên của tâm lý học chỉ đơn giản là miêu tả hành vi. Thông qua việc mô tả hành vi của con người và các loài động vật khác, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về hành vi đó và có cái nhìn tốt hơn về những gì được coi là bình thường và bất thường.
- Giải thích: Ngoài việc mô tả đơn thuần, các nhà tâm lý học còn quan tâm đến việc giải thích hành vi đó. Tại sao mọi người lại hành động như vậy? Những yếu tố nào góp phần quyết định sự phát triển, nhân cách, hành vi xã hội và các vấn đề sức khỏe tâm thần? Ví dụ, hai hiện tượng hypnagogic (trạng thái nửa tỉnh, nửa mê trước giấc ngủ) và hypnopompic (hiện tưởng ảo giác thôi miên nửa thức nửa ngủ) đã giúp con người lý giải một cách khoa học những hiện tượng trước kia được coi là do ma quỷ gây ra.
- Tiên đoán: Một khi hiểu những điều đang xảy ra và tại sao chúng xảy ra, ta có thể sử dụng thông tin đó để dự đoán việc tương tự sẽ xảy ra khi nào, tại sao xảy ra và xảy ra như thế nào trong tương lai.
- Can thiệp / Tác động: Mục tiêu cuối cùng cũng là mục tiêu quan trọng nhất: Tâm lý học luôn cố gắng thay đổi, tác động hoặc kiểm soát hành vi để tạo ra những thay đổi hữu ích và lâu dài lên cuộc sống con người.

“Những người nghiên cứu về tâm lý học,” theo TS Lê Nguyên Phương, “cần có vị trí như các bác sỹ y khoa.” Với bốn mục đích đó, tâm lý học đóng vai trò quan trọng trong việc giúp nhà lãnh đạo quản trị tổ chức của mình hiệu quả hơn.
Tâm lý học giúp gì cho lãnh đạo và tổ chức?
Khi hiểu về tâm lý, người lãnh đạo hiểu bản thân hơn, từ đó có thể tự điều hoà cảm xúc của mình. Có rất nhiều nhà lãnh đạo ngày đêm căng thẳng với những vấn đề khó giải trong doanh nghiệp, khiến giấc ngủ bị ảnh hưởng hay công việc không hiệu quả. Với kiến thức về tâm lý học, lãnh đạo có thể bình tĩnh xử lý những vấn đề này. Thực hành “chánh niệm” là một trong những phương pháp giúp lãnh đạo hiểu bản thân, đạt được trạng thái bình an, từ đó ra quyết định sáng suốt hơn.

- Tâm lý học cũng đóng vai trò quan trọng giúp lãnh đạo ra quyết định. Khi hiểu về những khái niệm như: Maximizer & Sactificer (Người cầu toàn & Người tri túc), phương pháp Algorithm & Heuristic (Thuật toán và Ước đoán),… trong tâm lý học, nhà lãnh đạo có thể ra quyết định tốt hơn.
- Tâm lý học cũng giúp lãnh đạo hiểu người khác. Không đơn thuần như những cuốn sách “đọc vị” mà chúng ta thường đọc hay dịch từ các nhà tâm lý Trung Quốc, hiểu về môn khoa học tâm lý giúp chúng ta hiểu sâu về quá trình hình thành các tính cách khác nhau, từ đó lý giải được hành vi của một người. Ví dụ, một nhân viên ít nói bỗng dưng cười nói, hoạt ngôn hơn bình thường khi gặp cấp trên trong một bữa tiệc rất có thể là biểu hiện của sự sợ hãi.
- Cuối cùng, người lãnh đạo khi có kiến thức trong tâm lý học, đặc biệt là tâm lý học trong tổ chức sẽ giúp tổ chức thay đổi và đi lên bền vững. Ví dụ, khi hiểu về tâm lý tổ chức, lãnh đạo có thể áp dụng mô hình ADKAR 5 bước, gồm: Awareness – Nhận thức, Desire – Mong muốn, Knowledge – Kiến thức, Ability – Khả năng, Reinforce – Củng cố để xây dựng doanh nghiệp bền vững hơn.
Lãnh đạo trăm công nghìn việc, lại phải học thêm tâm lý liệu có quá nhiều?
Để trả lời cho câu hỏi trên của host Tiên Lương, T.S. Lê Nguyên Phương cho rằng con người thực chất vẫn chưa chạm tới ngưỡng cửa giới hạn trong năng lực của mình. Việc mở rộng tri thức là hoàn toàn có thể. Bên cạnh đó, việc lãnh đạo chỉ nắm được kiến thức trong một lĩnh vực đã không còn phù hợp trong xã hội hiện đại. Lãnh đạo cũng cần có kiến thức đa lĩnh vực để quản trị doanh nghiệp của mình hiệu quả hơn.

Cùng lúc đó, “để lãnh đạo người khác,” T.S. Lê Nguyên Phương cũng khẳng định, “trước tiên phải lãnh đạo được chính mình.” Mọi quá trình phát triển đều phải bắt đầu từ sự tự thức (self-awareness), sau đó mới đến nhận thức về xã hội (social awareness), lãnh đạo bản thân (self-leadership), và cuối cùng là lãnh đạo tổ chức (organizational leadership). Tự thức (self-awareness) sẽ sinh ra tự tri (self knowledge), và nhờ tự tri, những quyết định sáng suốt không bị chi phối bởi cảm xúc mới được đưa ra. Bởi vậy, môi trường hạnh phúc nhất chính là môi trường mà mọi người cùng có khả năng tự thức.
Cùng theo dõi đầy đủ cuộc trò chuyện cùng T.S. Lê Nguyên Phương tại đây nhé.
Thảo luận về bài viết