Dữ liệu đã dần trở thành nguồn tài nguyên quý giá giúp tạo ra giá trị và nâng cao hiệu suất kinh doanh. Xây dựng một văn hóa tự tin và linh hoạt trong việc sử dụng dữ liệu sẽ là yếu tố quan trọng để đạt được thành công trong môi trường kinh doanh ngày nay.
Trở thành một trong những đối tác đầu tiên của “gã khổng lồ công nghệ” vào năm 2010, ở thời điểm NOVAON vẫn là một doanh nghiệp khởi nghiệp còn yếu thế về mặt quản trị, anh Nguyễn Minh Quý, chủ tịch Tập đoàn NOVAON chia sẻ bản thân đã học được nhiều giá trị về mặt quản trị tổ chức từ Google. Để rồi từ đó, NOVAON dần thấm nhuần văn hóa quản trị của Google, đặc biệt là văn hóa ra quyết định dựa trên dữ liệu.
Bài học quản trị từ Google
“Tôi đã được Google huấn luyện và đào tạo như một người của Google.“
Nguyễn Minh Quý, chủ tịch Tập đoàn NOVAON
Theo đó, văn hóa này bắt đầu từ việc tạo ra một môi trường đón nhận, khuyến khích việc thu thập, phân tích và ứng dụng dữ liệu. Điều này đòi hỏi sự đổi mới và đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ, đồng thời tạo ra ý thức, kỹ năng và thói quen làm việc với dữ liệu trong toàn bộ tổ chức.
Dựa trên ví dụ thực tế của NOVAON, anh Quý cho hay, vào đầu quý, đại diện Google sẽ có mặt ở văn phòng và tổng hợp nhanh các dữ liệu của quý vừa qua. Rằng doanh nghiệp đã làm tốt ở đâu, tăng trưởng khách hàng bao nhiêu, tăng trưởng doanh thu bao nhiêu, có đạt được kế hoạch đặt ra hay không và quý tiếp theo cần phải làm gì để có thể đạt được mức doanh thu của kế hoạch mới. Sau một thời gian dài, điều này dần trở thành văn hóa của NOVAON.
Bên cạnh đó, phương pháp quản trị kế hoạch và công việc dựa trên dữ liệu cũng được duy trì, tạo thành thói quen đối với mỗi nhân sự trong doanh nghiệp. Cụ thể, các công ty hoàn toàn có thể đưa dữ liệu vào trong các cuộc họp, dựa trên số liệu sẵn có để phân tích và đưa ra đánh giá tình hình doanh nghiệp. Đồng thời, loại bỏ thói quen ra quyết định dựa trên cảm xúc và đánh giá chủ quan.
Không chỉ là trách nhiệm của nhà lãnh đạo
Xây dựng văn hóa ra quyết định dựa trên dữ liệu là quá trình trình được diễn ra liên tục, đi kèm với những thay đổi phức tạp của giới kinh doanh. Đòi hỏi các doanh nghiệp không ngừng nghiên cứu, sáng tạo và áp dụng phương pháp mới để cải thiện hiệu quả quá trình ra quyết định dựa trên dữ liệu và thúc đẩy sự phát triển bền vững của tổ chức.
Việc hiểu rõ dữ liệu và khai thác tối đa tiềm năng của nó sẽ giúp doanh nghiệp định hình chiến lược, tối ưu hóa quá trình và tạo ra lợi thế cạnh tranh. Hơn nữa, việc xây dựng văn hóa ra quyết định dựa trên dữ liệu không chỉ là vấn đề của lãnh đạo, mà cần được thấu hiểu và thực hành bởi toàn bộ nhân viên trong tổ chức. Để đạt được điều này, các doanh nghiệp cần tạo ra một môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo, trao quyền và tăng cường chia sẻ thông tin và kiến thức liên quan đến dữ liệu.
Mặt khác, việc tạo dựng văn hóa ra quyết định dựa trên dữ liệu cũng hỗ trợ rất nhiều trong việc hoạch định các chiến lược dài hạn cho doanh nghiệp. “Bởi khi tập hợp đủ dữ liệu, bạn sẽ hiểu rõ 5 năm nữa thị trường tiến đến đâu để chuẩn bị sẵn sàng so với các đối thủ cạnh tranh,” anh Quý cho hay.
Làm gì khi ra quyết định dựa trên dữ liệu mà… thiếu dữ liệu?
“Ra quyết định dựa trên dữ liệu” không phải là một hành động hay một hoạt động, mà đó là một văn hóa.
Nguyễn Minh Quý, chủ tịch Tập đoàn NOVAON
Trong quá trình sử dụng dữ liệu để đánh giá và đưa ra quyết định hẳn cũng không thiếu những trường hợp “dở khóc dở cười” vì…thiếu dữ liệu. Chẳng hạn như muốn cải thiện dịch vụ khách hàng trong tương lai, nhưng nếu chỉ dựa trên những dữ liệu được đánh giá trong quá khứ của khách hàng, liệu có đủ?
Để trả lời cho vấn đề này, anh Quý cho rằng thực tế, không ít doanh nghiệp hiện tại nhận được nhiều dữ liệu mỗi ngày. Thế nhưng, các doanh nghiệp này lại không có văn hóa thu thập dữ liệu cũng như không có văn hóa dùng dữ liệu đó để ra quyết định. Mà để hình thành được văn hóa ra quyết định dựa trên dữ liệu là một cả một quá trình. Bởi “Nếu như doanh nghiệp có ý thức thu nhập dữ liệu mỗi ngày thì làm sao có thể không đủ,” anh Quý khẳng định.
Ví dụ, đối với một chuỗi nhà hàng, ở mỗi chi nhánh khi có khách đến, nhân viên hoàn toàn có thể chủ động đến xin thông tin và đánh giá của khách hàng về món ăn để tiếp tục cải thiện hoặc phát huy. Vậy là doanh nghiệp đã có dữ liệu cơ bản của khách hàng. Vào mỗi dịp khuyến mãi hoặc “chào sân” món mới, cửa hàng có thể gửi tin nhắn thông báo đến khách hàng. Như vậy, cửa hàng cũng sẽ đánh giá được mức độ gắn bó của khách hàng, để từ đó đưa ra những hoạt động phù hợp hơn.
Khi đó, kể cả thiếu dữ liệu, các nhà lãnh đạo vẫn hoàn toàn có thể phán đoán dựa trên những dữ liệu sẵn có. Bởi khi doanh nghiệp đã thu thập đủ nhiều số lượng dữ liệu cần thiết, mức độ trải nghiệm và kinh nghiệm của nhà lãnh đạo cũng từ đó tăng lên, củng cố cho trực giác và khả năng phán đoán thêm phần vững vàng.
Và để hiểu hơn về quá trình xây dựng văn hóa ra quyết định dựa trên dữ liệu dành cho các doanh nghiệp, các bạn có thể lắng nghe những chia sẻ từ anh Nguyễn Minh Quý trong chương trình The Quoc Khanh Show tại đây.
Thảo luận về bài viết