Đầu tư hạnh phúc cho nhân viên đang là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp khi tình trạng căng thẳng ở công sở ngày càng gia tăng. Vậy đầu tư Well-Being như thế nào là toàn diện?
Nguyễn Anh Hùng hiện đang là Founder & CEO của Clever Business Vision Group – Công ty cung cấp giải pháp tối ưu hoạt động doanh nghiệp. Trước đó anh từng giữ vị trí Giám đốc Nhân sự tại PNJ, ngân hàng OCB, FE Credit.
Well-Being là gì?
Anh Anh Hùng định nghĩa “Well-Being là một cảm giác hạnh phúc mà trong đó có sự trọn vẹn của bốn yếu tố: Thân, tâm, trí, ý chí”.
Nếu chúng ta ví một nhân viên như một cái cây thì rừng cây là hình ảnh ẩn dụ cho một tổ chức. Trong giông bão, một cây cổ thụ khó mà trụ vững trước sức mạnh của “mẹ thiên nhiên” nhưng một rừng cây cùng hợp sức bảo vệ lẫn nhau lại mạnh mẽ vượt qua bão táp. Tương tự như vậy, khi một tổ chức tập hợp được các thành viên khỏe mạnh, hạnh phúc thì sẽ giúp cả tập thể sẵn sàng đón nhận và vượt qua những khó khăn để hồi sinh mạnh mẽ. Vì vậy, các doanh nghiệp cần vạch ra một tầm nhìn dài hạn về việc đầu tư hạnh phúc cho nhân viên. Vì đó là cách doanh nghiệp nuôi dưỡng nội lực từ bên trong để có thể chinh phục những mục tiêu lớn lao hơn nữa.
Well-Being là một cảm giác hạnh phúc mà trong đó có sự trọn vẹn của bốn yếu tố: Thân, tâm, trí, ý chí
Vậy ta có thể bắt đầu chương trình Well-Being bằng những bước đơn giản nào xoay quanh 4 yếu tố Thân – Tâm – Trí – Ý chí?
- Thân
Thân tức là cơ thể hay sức khỏe vật lý. Trong một ngày làm việc, nhân viên có thể cảm thấy mất năng lượng hoặc mệt mỏi về mặt cơ thể vật lý vì phải đối mặt với nhiều vấn đề mà trước giờ họ chưa từng giải quyết. Lúc này, người quản lý có thể giúp nhân viên gia tăng năng lượng ở góc độ thân thuộc thông qua sự hiện diện, tức họ sẽ ở bên cạnh, tương tác gần với nhân viên. Ví dụ, Giám đốc công ty có thể xuống tận dây chuyền sản xuất để quan tâm nhân viên, xem họ có gặp phải khó khăn gì hay không để kịp thời hỗ trợ.
- Tâm
Tâm là yếu tố chỉ sức khỏe tinh thần. Bỏ qua những mệt mỏi liên quan đến thể lực, điều khiến nhân viên cảm thấy nặng nề về mặt tinh thần là những công việc chưa được hoàn tất, những vấn đề trong mối quan hệ chốn công sở, những áp lực vô hình từ cấp trên, sự nỗ lực không được ai công nhận. Trong trường hợp này, người quản lý cần tạo động lực cho nhân viên bằng cách ghi nhận, khen thưởng từng thành công nhỏ của họ. Những gì chưa tốt có thể góp ý dựa trên tinh thần xây dựng và những gì nhân viên hoàn thành tốt thì nên khích lệ, động viên.
Host Minh Giang và khách mời Nguyễn Anh Hùng bàn về chủ đề chăm sóc hạnh phúc cho nhân viên
- Trí
Trí là yếu tố chỉ năng lực tư duy, trí tuệ. Người quản lý có thể giúp nhân viên nâng cao năng lực này bằng cách hướng dẫn, chia sẻ những kinh nghiệm làm việc và kỹ năng chuyên môn đã tích lũy được. Từ đó giúp nhân viên phát triển tư duy, khai mở kiến thức.
- Ý chí
Trước đây chúng ta hay nghe đến cụm từ chăm sóc Thân – Tâm – Trí nhưng mảnh ghép cuối cùng – Ý chí mới thật sự quan trọng trong việc đầu tư hạnh phúc cho nhân viên. Ý chí chính là chữ Why (Tại sao), là yếu tố mang tính gốc rễ giúp nhân viên hiểu rõ lý do họ làm việc gì và tìm thấy niềm tin vào con đường đang đi. Đứng trước tương lai mù mịt chắc chắn sẽ không ai mạnh dạn bước tiếp chỉ trừ khi họ nhìn thấy tia sáng. Do đó, người lãnh đạo, quản lý phải là người cầm đuốc, thắp lên ánh sáng để nhân viên tự tin cùng đồng hành. Vai trò tiên phong của cấp lãnh đạo, quản lý là rất cần thiết để thôi thúc ý chí của nhân viên.
Nếu xem nhân viên là nhân tố quan trọng giúp doanh nghiệp vận hành kinh doanh, thì việc tạo cảm giác hạnh phúc cho họ, sẽ giúp hoạt động kinh doanh tổ chức đi lên
Trong bốn yếu tố kể trên, tâm và ý chí là hai yếu tố mang tính lan tỏa. Nếu người lãnh đạo biết kích hoạt hai yếu tố này, họ có thể dùng năng lượng tích cực để thu hút những thành viên khác cùng đồng hành trên chặng đường chinh phục mục tiêu của doanh nghiệp.
Ngoài 4 yếu tố quan trọng của chương trình Well-Being, anh Anh Hùng còn chia sẻ về những nguyên tắc quan trọng khi triển khai chương trình chăm sóc hạnh phúc cho nhân viên ở chương trình People Matter tập 7. Mời các bạn theo dõi tại đây.
Thảo luận về bài viết