Hơn 50 năm gầy dựng thương hiệu Phúc Long, điều gì khiến ông Lâm Bội Minh – Founder Phúc Long quyết định sáp nhập với Masan và đâu là yếu tố khiến thương hiệu này thành công đến vậy?
Ông Lâm Bội Minh là nhà sáng lập của thương hiệu trà, cà phê Phúc Long. Thương hiệu này được thành lập từ năm 1968 và đến năm 2021 , sự kiện “bắt tay” giữa Phúc Long cùng Tập đoàn Masan đã đánh dấu bước ngoặt lớn trên hành trình trở thành thương hiệu vươn tầm thế giới. Sau khi thực hiện thương vụ M&A với Masan, ông Lâm Bội Minh vẫn canh cánh trong lòng về tương lai của Phúc Long và tâm nguyện để lại cho đời các giá trị văn hoá vô hình.
Tình yêu với lá trà là nền tảng để xây dựng Phúc Long
Thành lập Phúc Long từ năm 1968, ông Lâm Bội Minh đã có hơn 50 năm gắn bó với ngành trà, cà phê. Dù đã làm ngành này đủ lâu nhưng nhà sáng lập vẫn khiêm tốn cho rằng bản thân vẫn chưa học hết về trà, cà phê vì xu hướng của ngành thay đổi liên tục. Ông cho biết: “Để có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, bản thân người làm phải thường xuyên học hỏi, thử nghiệm, sai và sửa để mang đến trải nghiệm thưởng thức trà, cà phê tốt nhất cho người dùng”.

“Sự tinh tuý tuyệt vời của mùi vị thiên nhiên” – Thấm nhuần điều này sẽ yêu từ lá trà đến hạt cà phê, từ đó sẽ đam mê. Một khi đam mê sẽ chịu mày mò học hỏi.
Người đưa ông Lâm Bội Minh đến với ngành trà, cà phê là cha ông. Thời điểm ấy, cha ông làm trà theo cách thô sơ và hoàn toàn thủ công, điều này đã tạo nên ấn tượng sâu sắc cho nhà sáng lập Phúc Long. Nhờ cách làm này, cha ông cho biết có thể gìn giữ được “Sự tinh túy tuyệt vời của mùi vị thiên nhiên”, ông thấm nhuần câu nói này và kể từ đó đắm mình trong từng lá trà, cây cà phê. Chàng trai trẻ Lâm Bội Minh ngày đó bắt đầu đam mê tìm hiểu sâu hơn về trà, tập tành nghiên cứu để cho ra thức uống thuần khiết và đậm vị nhất. Lúc ấy, không có marketing, chiến lược hay kế hoạch tầm vóc 5, 10 năm vĩ đại, ông phát triển Phúc Long vững mạnh chỉ dựa trên nền tảng tình yêu với từng lá trà và hạt cà phê.
Sản phẩm và con người: Chìa khóa đưa Phúc Long vươn xa
Nói về thành công của Phúc Long, ông Lâm Bội Minh đã gói gọn câu trả lời của mình trong 2 yếu tố: Sản phẩm và con người. Với ông, sản phẩm trà ngon nhất khi được pha thủ công, để giữ được mùi hương và vị chát của trà thì phải dầm trà bằng thủ công. Nhược điểm của cách làm này là không đáp ứng được số lượng lớn nhưng nếu muốn làm ngon thì phải chấp nhận làm ít. Trong nhiều năm, Phúc Long phát triển rất chậm nhưng hầu như cửa hàng nào cũng đứng độc lập, cửa hàng này không cần phải nuôi cửa hàng kia. Với ông: “Giá trị không nằm ở số lượng cửa hàng mà nằm ở chất lượng cửa hàng”.

Giá trị không nằm ở số lượng cửa hàng mà nằm ở chất lượng cửa hàng.
Tiếp theo, nâng cấp sản phẩm là điều quan trọng vì bây giờ sản phẩm rất nhiều, đa dạng, nếu ta không chịu mày mò tạo ra sản phẩm mới thì sẽ không thể đáp ứng thị trường. Ông đưa ra ví dụ, một cửa hàng có 50 món trong menu thì một thời gian sau phải lọc bớt những món không được ưa chuộng và thay vào những món mới. Công đoạn R&D để ra được sản phẩm mới không hề dễ vì nó đòi hỏi người làm ra món mới phải có khẩu vị tinh túy và hiểu nhu cầu của đối tượng khách hàng. Nếu tạo ra được sản phẩm chất lượng cùng với việc làm chủ nguồn nguyên liệu, biết cách làm marketing để mọi thứ ăn khớp với nhau thì đảm bảo sẽ thành công.

Ngoài làm sản phẩm tốt thì yếu tố con người, chất lượng dịch vụ cũng rất quan trọng. Nhân viên có niềm nở, thân thiện với khách hàng hay không, có hợp tác với mình hay không? Một mình mình có thể không quan tâm được hết toàn bộ nhu cầu của nhân viên nhưng mình cần ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của nhân viên để tưởng thưởng xứng đáng với công sức họ đã góp vào. Đó là những thứ về mặt con người ta cần phải quan tâm. Ôn nhấn mạnh muốn làm F&B thành công phải đi theo 2 con đường đó, còn vị trí kinh doanh chỉ là yếu tố thứ 3, nó cũng quan trọng nhưng không phải then chốt. Có những hàng quán núp sâu trong hẻm nhưng rất đông khách ghé đến, đó là do họ làm sản phẩm ngon, dịch vụ dễ thương, người ta thích rồi truyền miệng cho nhau, truyền miệng mới là một trong những phương pháp quảng cáo chứng thực nhất.
Cú bắt tay lịch sử cùng Masan
Là người gầy dựng Phúc Long từ tình yêu thuần khiết dành cho trà và cà phê, không ít người, đặc biệt là khách hàng thân thiết của Phúc Long thắc mắc vì sao ông quyết định bắt tay với Masan. Liệu rằng khi Phúc Long sáp nhập với tập đoàn lớn, thương hiệu có bị đổi chất hay không?. Trước lo lắng và thắc mắc đó ông tự hào nhắc đến cửa hàng Phúc Long đầu tiên được mở cửa ở Mỹ, cửa hàng đó được khách hàng yêu thích và đón nhận. Điều này khiến ông trăn trở với hoài bão muốn Phúc Long tiến xa hơn ở vùng trời mới. Ông cho rằng: “Nếu muốn đi xa, vươn ra nước ngoài, một mình tôi không thể đi được mà phải có 2 người đi cùng nhau, mỏi chân thì dìu nhau hoặc cõng nhau đi.” Vậy nên ông muốn tìm một tập đoàn đáng tin cậy để giao “đứa con” tinh thần của mình với kỳ vọng cuối đời rằng “đứa con” này sẽ phát triển hơn nữa và tiến xa ra thế giới. Đó chính là lý do vì sao ông quyết định sáp nhập với Masan.

Nếu muốn đi xa, vươn ra nước ngoài, một mình tôi không thể đi được mà phải có 2 người đi cùng nhau, mỏi chân thì dìu nhau hoặc cõng nhau đi.
Để theo dõi đầy đủ cuộc trò chuyện của ông Lâm Bội Minh bạn có thể nhấn vào đây.
Thảo luận về bài viết