Việt Nam đang đứng trước bài toán kép về dinh dưỡng ở trẻ như sự gia tăng của bệnh béo phì và các vấn đề liên quan đến sự thiếu dinh dưỡng và suy dinh dưỡng. Để giải quyết những vấn đề này, việc nâng cao nhận thức về dinh dưỡng ở trẻ em là rất quan trọng.
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam bày tỏ “Chúng tôi muốn tạo ra sự thay đổi để không chỉ thay đổi cuộc sống của một đứa trẻ mà thực sự được quy mô hóa, để thực sự chạm đến và tạo ra thay đổi cho mọi trẻ em ở Việt Nam.”
Việt Nam vẫn đang đối mặt với bài toán dinh dưỡng kép ở trẻ
Có thể thấy trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam đã đạt được không ít những tiến bộ vượt bật và đáng ghi nhận trong công tác xóa đói giảm nghèo cũng như cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ. Tuy nhiên, vẫn có sự chênh lệch rất lớn về tỷ lệ suy dinh dưỡng giữa các khu vực.
Theo quan sát từ Unicef, bà Rana Flowers nhận thấy nhóm trẻ vẫn còn tuột lại phía sau hầu hết là nhóm trẻ em từ dân tộc thiểu số; trẻ em di cư cùng với cha mẹ đến các thành phố, và không được tính đến trong các số liệu thống kê của quốc gia nên không được tiếp cận dịch vụ công. Một phần trong số đó là trẻ em khuyết tật.
Theo bà, mặc dù vấn đề này đã được cải thiện ở cấp quốc gia vẫn còn rất nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng thấp còi, do không có đủ thực phẩm và chất dinh dưỡng. Theo thông tin từ Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 250,000 trẻ em bị suy dinh dưỡng thấp còi, do các gia đình đã phải cắt giảm bữa ăn hàng ngày trong các đợt thiên tai, dịch bệnh và điều này gây ra suy dinh dưỡng mãn tính, một khái niệm tương tự như thấp còi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chiều cao người Việt vẫn còn khiêm tốn so với các nước.
Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ thiếu dinh dưỡng vẫn chưa đạt mục tiêu trong khi tỷ lệ trẻ béo phì lại có dấu hiệu tăng đáng kể. Đây là sự quan ngại sâu sắc vì nó dẫn tới một loạt bệnh tật và các bệnh không lây nhiễm mà chúng ta sẽ thấy về sau khi các em lớn lên, dẫn tới chi phí chữa bệnh rất lớn và gánh nặng cho hệ thống y tế như bệnh tiểu đường, tim mạch, đột quỵ,… là kết quả của chế độ ăn uống không lành mạnh
Khẩn trương nâng cao nhận thức về dinh dưỡng ở trẻ
Là cha mẹ, chúng ta muốn làm những gì tốt nhất trong khả năng của mình cho trẻ em. Nhưng chúng ta cần tiếp cận thông tin tốt hơn. Một phần của việc đó là nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi khi cần thiết. Đặc biệt cần đảm bảo rằng cha mẹ sẽ có phản hồi đúng đắn và can thiệp đúng đắn.
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và tăng trưởng của trẻ em. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức về dinh dưỡng ở trẻ. Một mặt, chúng ta phải đối phó với các vấn đề liên quan đến sự thiếu dinh dưỡng và suy dinh dưỡng, trong khi mặt khác, cũng phải đối mặt với tình trạng tăng cân và béo phì ở trẻ.
Cụ thể, ở Việt Nam trẻ em bị thấp so với lứa tuổi các em có thể cao hơn và điều này không hẳn xuất phát từ việc thiếu thực phẩm, mà là thiếu thực phẩm đủ dưỡng chất. Do vậy, bà Rana Flowers khẳng định “Điều này còn do thiếu nhận thức của các cha mẹ để thực sự cân nhắc về thực phẩm họ cho trẻ ăn hàng ngày.” Ví dụ như mỳ ăn liền không có 1 chút chất dinh dưỡng nào cả. “Chúng ta làm sao cung cấp đủ sản phẩm dinh dưỡng nếu chúng ta cho trẻ ăn mỳ ăn liền?” bà Rana Flowers tự hỏi.
Để giải quyết bài toán này, việc nâng cao nhận thức về dinh dưỡng là một bước quan trọng. Chỉ thông qua sự hiểu biết đúng đắn về dinh dưỡng, chúng ta mới có thể đối mặt và khắc phục hiệu quả cả vấn đề sự thiếu dinh dưỡng và suy dinh dưỡng, lẫn tăng cân và béo phì ở trẻ. Việc tăng cường giáo dục và thực hiện những giải pháp thích hợp sẽ đảm bảo sự phát triển và sức khỏe tốt cho trẻ nhỏ.
Tùy thuộc vào thể loại của vấn đề về dinh dưỡng mà chúng ta đưa ra giải pháp. Ví dụ, các doanh nghiệp sản xuất và phân phối thực phẩm cần chú trọng nhãn dinh dưỡng cho người dùng biết chính xác thành phần đường trong đó nước ngọt, hay trong bánh kẹo mà cha mẹ mua cho con em mình. “Đó là thông tin quan trọng”, bà Rana Flowers nhấn mạnh.
Đầu tư vào trẻ em chính là đầu tư vào nguồn lực quốc gia
Trẻ em hôm nay sẽ là động lực của Việt Nam trong tương lai. Bà Rana Flowers nhấn mạnh “Nếu không đầu tư vào trẻ em, nghĩa là không đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực.” Điều này cũng đồng thời tác động đến sự phát triển kinh tế trong tương lai của Việt Nam nói chung và sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng. Bởi nếu mọi trẻ em được hưởng một nền giáo dục, y tế, dinh dưỡng chất lượng thì kinh tế quốc gia sẽ tăng trưởng.
Do vậy, đầu tư vào những năm đầu đời, tận dụng các giai đoạn phát triển trí não quan trọng, cải thiện chất lượng nguồn dinh dưỡng giúp đảm bảo rằng tất cả trẻ em có thể phát triển hết tiềm năng của mình, hỗ trợ sự phát triển bền vững lâu dài của một xã hội thịnh vượng. Theo đó, ở góc độ tư nhân, các doanh nghiệp cũng có thể chung tay cùng hỗ trợ UNICEF hoặc phối hợp với UNICEF tìm ra giải pháp cho những vấn đề này.
Một ví dụ điển hình mà các doanh nghiệp có thể cân nhắc khi nói đến tình hình lao động của nhân viên nữ trong công ty, đó là cần đảm bảo rằng các doanh nghiệp có những chính sách thân thiện với gia đình, hỗ trợ bà mẹ và trẻ em dành cho các nhân viên có con nhỏ từ 0 đến 6 tuổi. Chẳng hạn, nếu phụ nữ có không gian tại văn phòng để duy trì hoạt động cho con bú, não bộ của trẻ sẽ phát triển tốt hơn rất nhiều so với trẻ uống sữa thức.
Mặt khác, việc tạo điều kiện chăm sóc con cái cho phụ nữ sau sinh cũng giúp giảm tình trạng nhân viên nữ xin nghỉ ốm. Đây là một trong những chính sách giúp gia tăng tỉ lệ giữ chân người lao động hơn trong tương lai. Đồng thời, những trẻ em nhận hỗ trợ sẽ nhớ về công ty khi lớn lên. Các em sẽ nhớ về những lợi ích mình nhận được khi còn nhỏ và điều đó xây dựng lòng trung thành dành cho công ty.
Để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc đầu tư vào những năm đầu đời của trẻ nhằm củng cố thể hệ lao động tương lai, các bạn có thể xem đầy đủ nội dung trên chương trình The Quoc Khanh Show tại đây.
Thảo luận về bài viết