Trong thời đại đầy thay đổi và phức tạp như hiện nay, khả năng giải quyết vấn đề đa chiều đã trở thành một yếu tố quan trọng cho sự phát triển cá nhân và sự nghiệp của thế hệ lao động mới. Để phát triển năng lực này, việc rèn dũa tư duy đa chiều ngay từ giảng đường đại học là không thể bỏ qua.
Giáo sư Scott Fritzen, hiện là Chủ tịch tại Đại học Fulbright Việt Nam cho hay, đa phần mọi người thường hay nghĩ những gì thuộc về lý thuyết nhìn chung rất xa vời so với những gì diễn ra hàng ngày. Nhưng trên thực tế thì ngược lại. “Không có gì thực tế hơn là một nền tảng lý thuyết tốt. Nếu đó là một lý thuyết hay, không phải lý thuyết nào cũng vậy, nhưng nếu có cấu trúc vững chắc, lý thuyết đó có thể được áp dụng nhiều cách khác nhau,” Giáo sư khẳng định.
Làm sáng tỏ những hoài nghi về Giáo dục khai phóng
Giáo dục là để giúp thay đổi quỹ đạo cuộc đời của một người trẻ.
Giáo sư Scott Fritzen, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam
Khóa sinh viên đầu tiên của trường Đại học Fulbright tại Việt Nam vừa tốt nghiệp không chỉ nhận được sự quan tâm từ các doanh nghiệp mà còn có cả những trăn trở của bậc phụ huynh. Khi mà sinh viên chỉ được học những chủ đề chung chung chứ không theo học một ngành cụ thể nào cả, liệu rằng sau khi ra trường, sinh viên có bắt nhịp ngay được với công việc thực tế không? Sinh viên sẽ có được những kỹ năng nhất định tương ứng với từng lĩnh vực nhất định sau khi tốt nghiệp không?
Đáp lại những hoài nghi, Giáo sư Scott Fritzen bày tỏ sự tự hào rằng hầu hết các sinh viên sau khi tốt nghiệp đều nhận được những phản hồi tích cực từ các doanh nghiệp và đơn vị tuyển dụng. Giáo sư cho hay, giống như các trường Đại học khác tại Việt Nam, sinh viên tại Đại học Fulbright vẫn được đào tạo chuyên môn sau 2 năm đầu được đào tạo nền tảng. Những chuyên môn này được xây dựng dựa trên các kỹ năng cốt lõi và khả năng làm việc nhóm mà sinh viên đã có được qua 2 năm đầu, thông qua phương pháp giáo dục có cấu trúc, có hệ thống, và có kỷ luật.
Từ đây, tạo nên các sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể suy nghĩ sâu sắc về những vấn đề cụ thể, khác với mong đợi của mọi người về sinh viên tốt nghiệp sẽ là chuyên gia trong một lĩnh vực nhất định. Đây không phải là sự lựa chọn giữa giáo dục tổng quát hay chuyên môn hoá. Mà là giáo dục tổng quát cùng với chuyên môn hoá giúp sinh viên trở thành chuyên gia giải quyết vấn đề năng động và đa nhiệm hơn.
Tư duy đa chiều từ khi nào đã trở nên quan trọng?
Thị trường cần những nhân sự có khả năng chuyên hoá chức năng chuyên sâu và biết cách giải quyết các vấn đề đa chiều.
Giáo sư Scott Fritzen, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam
Phát triển năng lực giải quyết vấn đề đa chiều giúp sinh viên hiểu rõ hơn về bản thân, khả năng và hạn chế của mình. Điều này giúp họ tự tin hơn khi đối mặt với những thách thức và tìm kiếm giải pháp phù hợp. Năng lực giải quyết vấn đề đa chiều giúp sinh viên rèn luyện tư duy linh hoạt và sáng tạo. Từ đó, cũng đồng thời phát triển kỹ năng giao tiếp, đàm phán và quản lý xung đột trong quá trình tìm kiếm sự cân bằng giữa các yếu tố khác nhau.
Thực tế cho thấy, dù giải quyết vấn đề về nhân văn, về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học máy tính, hay bất kỳ lĩnh vực đều áp dụng chung các nguyên lý này. Ví dụ hãy thử nghĩ về một vấn đề nào đó bạn có thể sẽ gặp phải trong môi trường thực tế. Bạn sẽ giải quyết vấn đề đó như thế nào? Hầu hết các vấn đề đó còn có rất nhiều quy mô, giao diện khác hơn so với chỉ một chuyên môn nhất định. Đối với hầu hết mọi vấn đề, cần làm việc cùng với các bộ phận khác nhau để chẩn đoán xem bản chất của vấn đề là gì, điều gì khiến vấn đề này xảy ra, trước khi có thể đi sâu vào xem đâu là những giải pháp tiềm năng và làm cách nào để triển khai những giải pháp đó từ góc nhìn chuyên môn.
Giáo sư Scott Fritzen nhấn mạnh “Được giáo dục trong thế kỷ 21 có nghĩa là thế hệ lao động trẻ không phải chỉ có một nền tảng giới hạn trong một chuyên môn nhất định.” Bởi lẽ, họ cần phải có các kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, khả năng lãnh đạo, khả năng tư duy phản biện, cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề để có thể giải quyết các vấn đề liên quan đến nhau từ nhiều góc độ. Do đó, điều mà trường đại học nên đào tạo chính là khả năng tư duy chuyên sâu cả về mặt chuyên môn, tạo nền tảng cho sự chuyên môn hóa ở phạm vi rộng hơn của một lĩnh vực để cùng làm việc và hiểu được các vấn đề đa chiều. Đây chính xác là điều thị trường đang cần.
Trong giáo dục, giá trị cốt lõi quan trọng hơn danh xưng
Không dừng lại ở việc có được một công việc sau khi tốt nghiệp làm minh chứng cho sự thành công, chương trình giảng dạy cốt lõi cho phép sinh viên tiếp cận kiến thức chuyên sâu bằng nhiều phương pháp khác nhau nhưng theo hướng kết hợp với các trường hợp áp dụng vào vấn đề cụ thể. Từ đó, tạo điều kiện giúp thúc đẩy phát triển sự tò mò từ trí tuệ cũng như khả năng giải quyết tình huống thực tế cho sinh viên, với mong muốn phục vụ cho xã hội bằng nhiều cách khác nhau. Điều này giúp họ kết nối với xã hội xung quanh và phát triển tiềm năng độc nhất của mình để hoàn thành mục tiêu lớn hơn.
Ở các trường đại học cũng vậy, phát triển một thứ gì đó đổi mới sáng tạo nhưng không phù hợp với bản chất văn hoá của tổ chức đó sẽ luôn rất khó khăn. Cần phải có sự sáng tạo và nuôi dưỡng liên tục. Nhà trường cần phải chăm sóc cho mối quan hệ này. Không chỉ làm một dự án để chấm điểm, dự án này còn phản ánh được lý do vì sao các sinh viên lựa chọn lĩnh vực này để bắt đầu sự nghiệp. Điều này phản ánh động lực ban đầu của sinh viên. Do vậy, trách nhiệm của nhà trường là giúp sinh viên tìm thấy chiến lược và định hướng phù hợp trong bối cảnh đang thay đổi như hiện nay.
Cái thật sự quan trọng chính là các trường đại học cần phải quan tâm đến kết quả giáo dục thật sự của sinh viên. Và điều đó không thể được đo lường chỉ dựa trên kiến thức thực tế. Vì không khó để có được kiến thức ở nhiều lĩnh vực và rào cản tiếp cận những kiến thức đó đã gần như bằng không khi mà chi phí biên của việc sản xuất và phân phối thông tin đang giảm xuống và tất cả mọi người bây giờ đều có thể tự học được.
Vì vậy Giáo sư Scott Fritzen hy vọng rằng các trường đại học xem trọng việc đó, về thách thức trong việc đo lường kết quả học tập, năng lực và hệ tư tưởng đạo đức của sinh viên nghiêm ngặt như bất cứ điều gì họ đã làm trước đây. Bởi vì đó là điều xã hội cần. Về cách trường đại học giúp thay đổi cuộc đời của sinh viên như thế nào.
Để hiểu rõ hơn về những thách thức của người lao động trong thế hệ mới và những phát kiến từ mô hình Giáo dục khai phóng giúp tạo nên những sinh viên có năng lực giải quyết vấn đề đa chiều, các bạn có thể lắng nghe những chia sẻ từ Giáo sư Scott Fritzen trên chương trình The Quoc Khanh Show tại đây.
Thảo luận về bài viết