Bài viết này thuật lại một phần chia sẻ trong The Present Podcast – series podcast bàn về con người và sự kết nối, cùng những hướng dẫn thực hành cụ thể nhằm hướng tới một lối sống tỉnh thức (mindfulness) trong mỗi người. The Present Podcast được phối hợp thực hiện bởi VIETSUCCESS và Seeds Of Love – Hạt giống yêu thương.
Lắng nghe và đăng ký theo dõi The Present Podcast tại: Youtube | Spotify
Ở The Present Podcast tập 2, host Thùy Dương và co-host Anh Lê đã quay trở lại cùng một món quà về kết nối với cảm xúc. Hai host đã cùng bàn luận về cách cảm xúc đến rồi đi và tâm thế của một người chủ động khi đối diện với cảm xúc; tầm quan trọng của việc gọi được tên những ‘người bạn cảm xúc’; từng bước để có thể gọi tên và tiếp đón những người bạn này, cũng như học được bài học mà họ mang tới; ngoài ra, chị Dương và chị Anh Lê cũng bàn luận về vai trò của hơi thở và cơ thể như là cầu nối giúp chúng ta kết nối lại với cảm xúc của mình.
“Hãy kiếm củi vào ngày hè để sưởi ấm trong ngày đông”
Chúng ta không thể kiểm soát cảm xúc của mình, không thể chọn và điều khiển giờ này được vui, giờ này được buồn hay giờ này được mệt mỏi. Cảm xúc là một dòng chảy phức tạp, và thường đến không hề báo trước. Tuy vậy, chị Anh Lê chia sẻ chúng ta hoàn toàn có thể trở nên chủ động hơn trong mối tương quan với cảm xúc, bằng cách dự trữ những “cành củi” cho cơ thể và tâm hồn của mình.
“Cành củi” ở đây chính là những sự thực tập giúp ta quay trở về với những gì cội nguồn nhất bên trong mỗi người, củng cố khả năng cân bằng và gia tăng sức bật tinh thần cho những ngày bão tới ở tâm thức. Đó có thể là thực hành quay trở về với hơi thở, với cơ thể để có thể giúp mình chậm lại, hay một bài thực hành cụ thể được chị Anh Lê chia sẻ về lòng biết ơn.
Chị Anh Lê nói rằng, người hạnh phúc nhất không phải là người có mọi thứ, mà là người biết cách cảm ơn vì những điều tươi đẹp mình đang có. Theo Healthline – một tạp chí khoa học về sức khỏe tinh thần nổi tiếng ở Mỹ, thực tập lòng biết ơn được chứng minh có thể đem lại rất nhiều tác động tích cực tới cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Người biết cách thực tập lòng biết ơn có thể tăng sức đề kháng thể lý và giảm nguy cơ về các bệnh tim mạch, nâng cấp sức khỏe tinh thần khi tâm trạng (mood) được cải thiện, các mối quan hệ xung quanh trở nên tốt hơn và thậm chí, một nghiên cứu vào năm 2019 đã chỉ ra rằng thực tập lòng biết ơn giúp những người cao tuổi có một cái nhìn tích cực hơn về cuộc đời đã qua của họ.
“Thân tâm nhất như” – Cơ thể và tâm trí là một
Nếu cảm xúc diễn ra trong tâm thức, thì liệu cơ thể có liên quan gì tới quá trình cảm xúc được hình thành và phát triển hay không? Câu hỏi này được chị Anh Lê trả lời cùng một câu nói trong ngành Thần kinh học (Neuroscience): The mind and the body are one. Trong tiếng Hán Việt cũng có một câu tương tự – “Thân tâm nhất như”, nói về việc cơ thể và tâm trí không hề là hai thứ tách biệt, mà thực ra là một.
Giống như mỗi lúc phấn khích ta lại cảm thấy chân như muốn nhảy cẫng lên, hoặc cảm giác tim đập nhanh mỗi khi lo lắng, hồi hộp, cơ thể và cảm xúc luôn đi kèm với nhau. Vì vậy, chị Anh Lê chia sẻ, việc quay trở về với hơi thở, với xúc cảm trong cơ thể cũng là một cách hữu hiệu để chúng ta bắt đầu kết nối và nhận biết cảm xúc trong mình.
Thực hành gọi tên – Khi cảm xúc được “người hóa”
Chị Lê nhắc đến một bộ phim hoạt hình nổi tiếng về trí tuệ cảm xúc của Pixar – Inside Out (2015). Trong phim, năm cảm xúc chính của cô bé Riley được khắc họa như những bản thể độc lập nhưng cùng tồn tại song hành: Niềm vui (Joy); Nỗi buồn (Sadness); Nỗi sợ (Fear); Tức giận (Anger) và Kinh tởm (Disgust). Dù là một bộ phim dành cho trẻ nhỏ, nhưng thông điệp mà Inside Out (2015) mang lại về cách chúng ta nhìn nhận về cảm xúc có thể được áp dụng cho bất kỳ ai.
Theo chị Lê, khi chúng ta “người hóa” cảm xúc của mình – tức là coi chúng như một người bạn, một cá thể mang tính độc lập với bản thân chúng ta, ta cho phép mình được dừng lại và tạm thời tách khỏi vòng xoáy mà cảm xúc đang quấn mình đi. Từ đó, ta có thể bắt đầu thực tập từng bước của việc kết nối lại với “những người bạn” này, và hiểu được lý do vì sao họ lại ghé thăm mình.
Năm bước thực tập kết nối lại với cảm xúc

“Name it to tame it” – Gọi tên những người bạn cảm xúc
Điều đầu tiên chúng ta có thể làm để kết nối với cảm xúc của mình chính là bắt đầu nhận diện, gọi tên được những cảm xúc nào đang có mặt ở giây phút hiện tại. Chị Lê chia sẻ một câu nói trong tiếng Anh về việc gọi tên cảm xúc là “name it to tame it”. Tạm dịch là “gọi tên để thuần hóa”, câu nói này chỉ ra rằng gọi được tên cảm xúc bên trong, đặc biệt trong những giây phút có cảm xúc mạnh, sẽ giúp ta bắt đầu thuần hóa được những ‘con ngựa mất cương’ trong chính mình. Và thực hành cụ thể đầu tiên ta có thể làm, là ngồi lắng lại rồi quay trở về với hơi thở.
Chấp nhận sự hiện diện của những người bạn này
Trong những giây phút đối diện với cảm xúc khó khăn, con người có một phản ứng tự nhiên bắt đầu với suy nghĩ “Giá mà…”. Đối diện với cảm xúc khó khăn là không hề dễ dàng, và phản ứng muốn chạy trốn, muốn thay đổi tình cảnh hiện tại là một điều dễ hiểu. Tuy nhiên, theo chị Lê, “what you resist will persist” – càng cố gắng chống lại điều gì chúng sẽ càng đeo bám. Chạy trốn sự tồn tại của cảm xúc khó khăn hay từ chối sự tồn tại của chúng sẽ chỉ là một hành động chạy trốn thực tại, và rồi chúng ta sẽ bị kéo lại một cách cực đoan và đau đớn hơn. Vì vậy, chấp nhận sự tồn tại của mọi cảm xúc đang có mặt là một bước tiên quyết tiếp theo giúp ta tới gần hơn với những gì bên trong.
Ôm ấp đứa trẻ cảm xúc trong mình
Chị Lê đưa ra một hình ảnh so sánh rất thú vị về cảm xúc, rằng cảm xúc cũng giống như một đứa trẻ con đang quấy khóc. Mỗi người đều đã đi qua giai đoạn khi ta còn là một đứa trẻ, và khi có một chuyện không hay xảy tới, những đứa trẻ non nớt chưa có kinh nghiệm và kỹ năng sống sẽ khóc ré lên theo bản năng để mong được người lớn an ủi, vỗ về. Chị Lê nhấn mạnh vào cảm giác của những đứa trẻ đang khóc mà được ôm lấy, thì kể cả khi vấn đề chưa được giải quyết, đứa trẻ cũng bắt đầu cảm thấy nhẹ nhàng hơn.
Vậy thì làm thế nào để ta ôm ấp được đứa trẻ cảm xúc bên trong? Chị Lê đưa ra những gợi ý thực hành như là cho phép mình được tạm dừng lại và ngồi xuống một bóng cây, hay chỉ là uống một cốc nước và để ý cách nước chảy vào cổ họng mình. Bằng những thực hành này, ta giúp bản thân hiểu được rằng ta đang có mặt cho chính mình ở đây, và cảm xúc cũng dần dần lắng yên trở lại.
Nhận diện nhu cầu chưa được đáp ứng
Sau tất cả những bước thực hành để gọi tên, chấp nhận và ôm ấp, chị Lê nói rằng ta sẽ bắt đầu có cái nhìn toàn cảnh hơn về những gì đang diễn ra, và những gì vừa diễn ra. Cảm xúc, đặc biệt là những cảm xúc khó khăn, thường dấy lên sau khi một nhu cầu nào đó của bản thân bị phớt lờ bởi những gì vừa diễn ra bên ngoài. Nhận diện được những nhu cầu chưa được đáp ứng đó giúp ta hiểu và thương bản thân, thương cảm xúc của chính mình hơn. Vì thế cũng giúp ta lấy lại được sự chủ động và tự chủ nhanh hơn trong các tình huống, thay vì để cơn bão cảm xúc tới và kéo ta đi một cách mất kiểm soát.
Học cách để cảm xúc trôi qua
Bước thực tập này cũng là một yếu tố thiết yếu trong việc thực hành mindfulness: welcome, observe and let it go – chào đón, quan sát và để cảm xúc đi. Chị Lê đưa ra hình ảnh về một bầu trời xanh, có lúc sẽ có mây trắng, có lúc sẽ có mây đen kéo tới, nhưng điểm chung là rồi chúng cũng sẽ trôi đi. Mỗi con người không phải những đám mây trắng và đen kia, mà mỗi con người là một bầu trời xanh đủ rộng lớn và bát ngát để chứa đựng những đám mây đó. Một cách tự nhiên, khi chúng ta đã chào đón và cho những vị khách cảm xúc sự lắng nghe và thấu hiểu, họ sẽ nhẹ nhàng rời đi.
Kết

Học cách để lắng nghe và kết nối với cảm xúc là một hành trình, không phải một đích đến. Tuy nhiên, thông qua bài viết và những chia sẻ trong The Present Podcast tập 2, hy vọng bạn sẽ tìm thấy một điểm bắt đầu cho hành trình kết nối lại với cảm xúc và chính mình.
Thảo luận về bài viết